Người dân nói gì về phí sử dụng đường bộ?
(Tài chính) Theo nhiều chuyên gia, nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện là cần thiết, là đòi hỏi khách quan nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu bảo trì đường bộ và cũng để bảo đảm sự công bằng trong xã hội. Tuy nhiên, vẫn không ít băn khoăn xung quanh việc thu, nộp và quản lý sử dụng phí này. FinancePlus.vn lược trích một số ý kiến của người dân xung quanh việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.
Ông Nguyễn Quang Toản (Hà Nội):
Thu phí bảo trì đường bộ là cần thiết
Chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa đảm bảo công trình giao thông không xuống cấp, an toàn là rất lớn, chiếm khoảng 5-10% tổng mức đầu tư một công trình. Do vậy, việc thu phí bảo trì đường bộ là cần thiết, nhất là trong điều kiện nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở nước ta đang tăng nhanh. Về phương thức thu, ở các nước giàu, họ tập trung thu tất cả qua giá xăng dầu, nhưng với người dân của nước họ đã quen như thế. Còn ở Việt Nam, đóng góp mà xã hội chưa quen thì không nên tập trung tất cả vào làm một. Bởi, nếu gộp tất cả phí vào làm một thì cả xã hội có thể bị sốc.
Nguyễn Đức Nam (Hà Nội):Phí có điều chỉnh trong thời gian tới không?
Tôi từng có thời gian sống và làm việc ở nước ngoài nên cũng không bất ngờ gì với phí sử dụng đường bộ. Nhà tôi có xe ô tô con 05 chỗ ngồi, đóng 130.000 đồng/tháng thì cũng không gì quá áp lực. Tôi chỉ có một vài băn khoăn nhỏ: Để đỡ việc mất thời gian đi lại, làm thủ tục kê khai và nộp phí nhiều lần, liệu chúng tôi đóng trước một lúc mấy năm được không? Mức phí đóng hàng năm có điều chỉnh không vì tôi thấy chính sách nước mình thường xuyên thay đổi? Nếu chúng tôi đóng một lần cho nhiều năm nhưng sau đó phí điều chỉnh tăng giảm thì số tiền đóng của chúng tôi sẽ được xử lý thế nào?
Trần Thu Giang (TP.Hồ Chí Minh):Ủng hộ việc thu phí sử dụng đường bộ nhưng phải giám sát
Tôi cũng như nhiều người dân khác đều hiểu rằng, Nhà nước phải lo trăm bề, nhất là lúc kinh tế gặp khó khăn như thế này, nên việc ủng hộ các chính sách của Nhà nước cũng là điều nên làm và là trách nhiệm của mỗi người dân. Thực ra, biểu phí cũng không phải là quá cao, xe máy thu 50-150.000 đồng/năm, tính ra cũng chỉ đáng vài ba bát phở thôi. Tuy nhiên, điều chúng tôi quan tâm nhất là Nhà nước quản lý và sử dụng quỹ này như thế nào? Hiệu quả đến đâu? Công tác kiểm tra giám sát ra sao? Đó mới là quan trọng. Chỉ khi những điều này được thực hiện một cách công khai, minh bạch thì người dân mới bớt băn khoăn.
Phạm Văn Nghĩa (Nghệ An):Cần sự công bằng
Nhà nước có trách nhiệm tu bổ đường giao thông còn người dân có trách nhiệm đóng góp thuế, phí là đương nhiên, tuy nhiên chúng tôi muốn có sự công bằng. Ở quê tôi, hàng ngày xe đi lại rầm rập trên đường, xe tải, công nông cày nát đường ra, đường vừa sửa xong vài ngày sau hố voi, ổ chuột đã bung ra, nhìn rất xót ruột. Tôi đề nghị thu phí nặng với mấy loại xe này. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu thêm việc thu phí các loại xe máy cho đúng. Tôi rất đồng tình với chủ trương của Bộ Tài chính khi không thu phí đối với người nghèo. Điều này thể hiện chủ trương an sinh xã hội, quan tâm đến người dân nghèo của Nhà nước. Theo tôi cũng cần có tiêu chí rõ ràng và cụ thể để xác định tiêu chí nghèo, để tránh bị một số người lợi dụng. Ngoài ra, các cơ quan liên quan cũng cần cho biết căn cứ từ đâu để tính ra các mức phí? Đối với những hộ dân có xe máy, nhưng sử dụng ít thì liệu có được giảm phí không?
Nguyễn Thăng Long (Bắc Giang):Sử dụng phí phải hiệu quả
Chúng tôi không ngại đóng phí, muốn sử dụng đường tốt thì tất nhiên là phải trả tiền thôi. Điều quan trọng là chất lượng công trình cầu, đường đã đáp ứng việc đi lại của người dân chưa? Sẽ là chưa hợp lý khi bắt người dân đi xe máy phải đóng phí trong khi đường đầy ổ gà và ổ voi, nhiều tuyến đường thi công mãi mà không thấy xong hoặc vừa hoàn thành mà đã xuống cấp nhanh chóng. Trong khi người dân phải chịu cảnh giao thông như vậy, nếu thu phí cần có cam kết tiền phí mà nhân dân đóng sẽ được dùng cải thiện chất lượng công trình giao thông. Do vậy, đề nghị ngành Giao thông vận tải phải sử dụng phí đó sửa chữa đường xá cho cẩn thận. Chúng tôi nộp tiền sửa chữa, bảo trì đường, vậy nếu có sự cố xảy ra do đường hư hỏng, thì ngành Giao thông có trách nhiệm gì với chúng tôi?