Tỉnh Bạc Liêu:
“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Mở rộng thị trường cho hàng Việt
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và góp phần vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Đưa hàng việt đến nông thôn
Năm qua, tuy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với các ngành, doanh nghiệp và các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động này. Đặc biệt, từ tết Nguyên đán 2022 đến nay, các ngành, địa phương đã khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh và không ngừng nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của hàng Việt.
Trong đó, các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ và siêu thị đã tung ra thị trường nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách hàng với khối lượng hàng hóa đa dạng và phong phú. Qua đó, đưa tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường trong tháng 2/2022 đạt trên 5.312 tỷ đồng, nâng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong 2 tháng đầu năm nay lên 10.346 tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch, tăng 10,35% so với cùng kỳ.
Có thể nói, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được xem là hành động thiết thực, thể hiện lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, là nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng. Từ đó, xu hướng, thói quen lựa chọn mua hàng Việt ngày càng gia tăng, xóa dần tâm lý của một bộ phận người tiêu dùng chuộng hàng ngoại nhập.
Riêng các doanh nghiệp, nhà sản xuất đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và cung ứng những sản phẩm có chất lượng, giá thành hợp lý. Không chỉ quan tâm hơn về chăm sóc khách hàng, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, doanh nghiệp ngày càng chú trọng kết nối xây dựng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng Việt về nông thôn, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành để thâm nhập thị trường.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến thị trường nông thôn và tập trung khai thác thị trường tiềm năng này. Trong năm 2021, tuy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Bạc Liêu cũng tổ chức được 3 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, có gần 200 doanh nghiệp tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm, thu hút trên 4.000 lượt người đến tham quan, mua sắm, tổng doanh thu bán hàng đạt trên 2,4 tỷ đồng.
Vẫn còn gặp khó
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong những năm qua tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng việc triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là hàng nhập lậu không rõ xuất xứ nhưng giả nhãn mác hàng hóa Việt Nam đang là tình trạng đáng lo ngại cho người tiêu dùng.
Công tác quản lý nhà nước của một số cơ quan chức năng từng lúc còn thiếu chặt chẽ, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa được thường xuyên. Năm qua, các ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên 330 vụ và đã xử lý 208 vụ với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước gần 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng chưa nhận thức rõ mục tiêu của Cuộc vận động đối với sự phát triển bền vững kinh tế đất nước, còn mang tâm lý chuộng hàng ngoại mà chưa chú trọng đến hàng Việt. Tình trạng sản xuất - kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ hoạt động với hình thức lén lút, núp bóng hoạt động kinh doanh hợp pháp; lợi dụng sự phát triển của khoa học - công nghệ, các đối tượng sản xuất - kinh doanh những sản phẩm, hàng hóa giả những hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng, bán trà trộn với hàng thật, có mạng lưới phân phối đến các chợ vùng nông thôn.
Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được chào bán công khai qua các mạng xã hội như: Facebook, YouTube, ứng dụng OTT, Zalo, Viber…
Hình thức kinh doanh này tạo cơ hội cho nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu lớn, hàng kém chất lượng dễ dàng tung ra thị trường. Điều đáng nói là việc bán hàng qua mạng không cần phải có địa điểm, kho chứa hàng hóa, lấy hàng từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng…
Tất cả những khó khăn và bất cập này sẽ được Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh kết hợp với các ngành, địa phương tập trung giải quyết triệt để và tiếp tục đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu.