Nguồn lực tài chính nhà nước đã ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo
Những năm qua, trong tổng thể đầu tư nguồn lực tài chính nhà nước, bao gồm ngân sách nhà nước cho phát triển đất nước đã ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là một trong những lĩnh vực được đầu tư lớn nhất.
Vừa qua, một số địa phương kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục để đảm bảo chất lượng công tác giáo dục và đào tạo, tăng cường năng lực, khả năng ứng phó phòng, chống với dịch COVID-19. Về nội dung này, Bộ Tài chính đã có ý kiến phản hồi theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phân công của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn xác định giáo dục đào tạo là quốc sách, đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển. Chính vì vậy, trong tổng thể đầu tư nguồn lực tài chính nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước cho phát triển đất nước đã ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là một trong những lĩnh vực được đầu tư lớn nhất. Điều này thể hiện ở việc quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 về việc “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”.
Đồng thời, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để tăng cường đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, từng bước đáp ứng yêu cầu để phát triển giáo dục của cả nước, thể hiện rõ trong Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, pháp luật về thuế, về đầu tư công, về tín dụng...
Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 để điều chỉnh về đầu tư công, trong đó có đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Điển hình như chính sách sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ưu tiên cho các mục tiêu đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế công lập và bổ sung thêm đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến năm 2020.
Ngoài ra, còn có chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên; các chính sách về cấp học bổng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê chỗ ở, hỗ trợ gạo... cho học sinh, sinh viên, trong đó ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là người các dân tộc ít người; chính sách về lương, phụ cấp đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; chính sách đối với cơ sở giáo dục đào tạo công lập (tự chủ tài chính, tự xác định giá dịch vụ giáo dục đào tạo, hỗ trợ ngân sách nhà nước (cấp lại thuế thu nhập doanh nghiệp) đối với các cơ sở giáo dục tự chủ...); chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (thuế, thuê đất...).
Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, quy định về phân bổ ngân sách đã tính đến những ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và lĩnh vực y tế hướng đến đảm bảo chất lượng công tác giáo dục đào tạo, y tế.
Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, chính sách để hỗ trợ người lao động nói chung, trong đó có người lao động trong ngành giáo dục – đào tạo; hỗ trợ học sinh, sinh viên, người lao động học nghề; hỗ trợ các cơ sở giáo dục – đào tạo gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.
Có thể kể đến các chính sách như: Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng; trang bị máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả với tổng kinh phí tối đa là 1.000 tỷ đồng...