Nguồn vốn bền vững cho nền kinh tế
Diễn tiến phát triển kinh tế năm 2016 đang có nhiều khởi sắc khi các các tổ chức, định chế tài chính quốc tế đều chung một nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ hơn dự báo, sẽ tăng ở mức gần 7%. Tuy vậy, nguồn vốn vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng lại là điểm nghẽn đáng quan ngại của kinh tế Việt Nam.
Nếu như vào cuối năm 2015, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng kinh tế năm 2016 sẽ khó khăn hơn 2015, do nhận định sẽ còn nhiều khó khăn về kinh tế tài chính sẽ tiếp tục xuất lộ như nợ xấu ngân hàng, đầu tư kém hiệu quả… thì thực tế lại không bi quan như vậy.
Những con số lạc quan
Vào tháng 2/2016, trong báo cáo Nghiên cứu Toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered đã có nhận xét lạc quan về kinh tế Việt Nam sẽ đi vào chu kỳ khởi sắc do môi trường kinh tế Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao thông qua hàng loạt các Hiệp định kinh tế đã và sắp ký kết; cũng như Chính phủ đang tiến hành các chính sách ổn định kinh tế.
Các Tổ chức uy tín quốc tế như Standard Chartered, Bloomberg, ANZ Bank đều chung một nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ hơn dự báo, sẽ tăng ở mức gần 7%, tương đương với Ấn Độ.
Hơn nữa, các chỉ số kinh tế tài chính 8 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã thể hiện nhận định lạc quan đầu năm 2016. Theo đó với sự ổn định của tỷ giá, lạm phát mức thấp và thanh khoản khá tốt của hệ thống ngân hàng cho thấy hệ thống tài chính và nền kinh tế vẫn trong xu thế ổn định.
Kết quả này là tiếp tục thể hiện sự tích cực của kết quả 6 tháng đầu năm. Trong đó mặc dù GDP chỉ đạt 5,52% nhưng lạm phát tiếp tục ở mức thấp, cán cân thanh toán đã dương trở lại với mức 1,7 tỷ USD so với mức âm 3,55 tỷ USD của năm 2015.
Trong tháng 8, tín dụng tiếp tục tăng lên mức 9,2 % so với mức 8,16% của 6 tháng. Đặc biệt tỷ giá VND/USD của tháng 8 là 22.330 VNĐ, thấp hơn mức 22.850 VNĐ đầu năm và VN Index đã đạt 674 điểm, tăng mạnh 16,4% so với đầu năm. Điều này càng cho thấy đồng tiền VNĐ ổn định và nhà đầu tư đã lấy lại niềm tin thông qua “hàn thử biểu” của nền kinh tế.
Còn nhiều quan ngại…
Tuy nhiên, nguồn vốn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu từ ngân hàng. Cụ thể nguồn cung vốn trực tiếp của ngân hàng chiếm tỷ lệ 74, 9% trong khi nguồn vốn từ thị trường vốn chỉ khoảng 25%; ngoài ra cũng cần lưu ý thêm ngay cả nguồn vốn này vẫn có những nhà đầu tư và tổ chức vay từ hệ thống ngân hàng.
Một nguồn vốn đầu tư quan trọng để bổ sung và thay thế vốn từ hệ thống ngân hàng hiện tại vẫn là nguồn vốn nước ngoài, trên kênh đầu tư gián tiếp để nâng đỡ cho thị trường vốn chưa phát huy được vai trò vốn cho nền kinh tế trung và dài hạn.
Mặc dù số liệu chung là rất khả quan, với việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 19.200 tỷ đồng chứng khoán trong 8 tháng. Tuy nhiên, nguồn vốn này tập trung mua trái phiếu Chính phủ với giá trị mua ròng 20.400 tỷ đồng, ngược lại đang có xu thế rút khỏi thị trường chứng khoán với việc bán ròng 1.200 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết.
Điều này mặt tích cực là đáp ứng nguồn vốn cho ngân sách vốn đang cần vốn, nhưng mặt khác cho thấy hạn chế nguồn vốn vào các doanh nghiệp. Theo đó không chỉ làm thị trường chứng khoán giảm nguồn cầu, mà còn làm suy giảm nguồn vốn vào doanh nghiệp.
Hơn nữa, số nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm là 59.700 tỷ đồng (giảm 14,55% so cùng kỳ năm trước). Công ty VAMC là giải pháp kỳ vọng nhất để xứ lý nợ xấu, nhưng gần 4 năm chỉ xử lý khoảng 15% trong khối nợ 251 nghìn tỷ.
Thống kê 9 ngân hàng thương mại niêm yết vào cuối tháng 6/2016, đã có khoản nợ xấu hơn 43.000 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm.
Xét về thanh khoản cũng khó cho rằng hệ thống ngân hàng đang có thanh khoản tốt khi Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hơn 128.000 tỷ đồng qua thị trường mở, cũng như các ngân hàng mua hết tín phiếu kỳ hạn 2 tuần của Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất rất thấp trong khoảng từ 0,7 – 1,2%/năm, thấp hơn lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 2 tuần (1,28%/năm).
Điều này chỉ cho thấy các ngân hàng không… tin tưởng lẫn nhau. Ngoài ra, mức tín dụng cho vay 6 tháng đầu năm các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp tăng 4,98%; công nghiệp 2,37%, xuất khẩu tăng 5,53%, doanh nghiệp SME tăng 2,62% thấp hơn khá nhiều mức tăng chung của tín dụng là 6,2% và tín dụng VNĐ là 8,16%.
Ngược lại, mức tăng tín dụng chỉ tăng 9,2% so với mức huy động tăng 11% đầu năm cho thấy các ngân hàng đều đang cần vốn.
Rõ ràng, với các chỉ số kinh tế tài chính 6 tháng và 8 tháng đầu năm 2016 cho thấy Chính Phủ đã thành công trong việc ổn định kinh tế. Tuy nhiên cần phải tiếp tục đẩy mạnh xử lý và cơ cấu lại hệ thống Ngân hàng thương mại theo hướng gắn với phát triển kinh tế bền vững, đưa nguồn vốn vào các khu vực kinh tế nền tảng như nông nghiệp, sản xuất và các doanh nghiệp SME.
Mặc khác, với các chỉ số lạm phát và tỷ giá khá ổn định hiện nay, Chính phủ nên tăng thêm một tỷ lệ cung tiền cho nền kinh tế để tạo động lực phát triển, miễn sao giám sát không cho dòng tiền đi vào các lĩnh vực thâm dụng vốn không ưu tiên, bởi vì nền kinh tế cũng đang rất cần vốn, trong khi Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hơn 128.000 tỷ đồng trong thời gian qua.