Nguy cơ khủng hoảng mới
Sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào hôm 17.12, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mới bắt nguồn từ một nền kinh tế mới nổi.
FED đã tăng lãi suất, lần đầu tiên sau gần 10 năm, nhưng quyết định đó không gây bất ngờ vì từ nhiều năm trước, những đồn đoán đã liên tục được đưa ra. Ngay cả mức tăng lãi suất lần đầu của FED (0,25%) cũng phù hợp với dự đoán của phần lớn chuyên gia.
Do đã loại trừ được nhân tố không rõ ràng và quyết định tăng lãi suất của FED một lần nữa xác nhận sự hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới, cho nên, thị trường chứng khoán đã có phản ứng tích cực ngay sau quyết định của FED. Tuy nhiên, dự cảm xấu cũng xuất hiện.
Luồng vốn tháo chạy
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo FED tăng lãi suất, thanh khoản của thị trường “rất dễ bốc hơi”. Trên thực tế, trước khi FED ra quyết định lịch sử kết thúc chính sách lãi suất gần bằng 0 kéo dài 7 năm qua, kỳ vọng FED tăng lãi suất đã kích thích dòng tiền rời thị trường mới nổi, trở về Mỹ.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 tới nay, hơn 500 tỷ USD đã tháo chạy khỏi thị trường mới nổi. Sau khi FED tăng lãi suất và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm 4 lần trong năm 2016 lên mức 1,375%, dòng tiền được nhận định sẽ càng chảy mạnh khỏi các thị trường mới nổi. Đồng thời, gánh nặng vay nợ bằng đồng USD cũng sẽ tăng lên, nhất là đối với doanh nghiệp thuộc nền kinh tế mới nổi.
Vấn đề này rất đáng ngại. Bởi trong thời gian Mỹ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế, các doanh nghiệp thuộc nền kinh tế mới nổi ào ào vay vốn giá rẻ.
Số liệu của IMF cho thấy, quy mô phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc nền kinh tế mới nổi đã tăng lên chóng mặt, từ 4.000 tỷ USD năm 2004 lên 18.000 tỷ USD năm 2014. Trong đó, các doanh nghiệp của Trung Quốc nợ nhiều nhất, các doanh nghiệp Chile, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng không kém.
Giờ đây, giá thành vay vốn tăng lên, áp lực đối với doanh nghiệp đương nhiên cũng tăng theo. Một điều đáng quan tâm nữa là tác động từ quyết định tăng lãi suất của FED tới doanh nghiệp sẽ lan rất nhanh đến giới tài chính.
Để ngăn ngừa rủi ro, ngành ngân hàng buộc phải hạn chế cho doanh nghiệp vay. Số lượng doanh nghiệp đóng cửa, phá sản sẽ tăng lên, kéo theo sự gia tăng về nợ xấu ngân hàng. Doanh nghiệp và ngân hàng rốt cuộc rơi vào vòng luẩn quẩn khó tìm thấy lối thoát.
Đi tìm mắt xích yếu nhất
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trượt dốc, dòng tiền rút chạy, các thực thể kinh tế lâm nạn, khả năng một nền kinh tế mới nổi nào đó có thực lực tài chính yếu đổ vỡ không phải là không có. IMF cũng sớm cảnh báo các nền kinh tế mới nổi phải chuẩn bị tâm lý đối với tác động đến từ việc FED tăng lãi suất.
Theo GS.,TS. Lang Xianping của Hong Kong (Trung Quốc), nếu khủng hoảng xảy ra ở một nền kinh tế mới nổi nào đó, đồng USD sẽ ùn ùn tháo chạy.
Hệ quả tiếp theo là sự đổ vỡ nhanh chóng của nền kinh tế mới nổi có thực lực yếu đó, khiến giá tài sản giảm nhanh chóng, trở thành miếng mồi ngon cho những con “cá kình tư bản”.
Tới đây, cuộc “xâm lược tư bản” kết thúc và theo những người tôn thờ thuyết âm mưu, nó bắt đầu từ việc làm cho các nền kinh tế mới nổi “nghiện” vốn giá rẻ, tới việc làm dấy lên kỳ vọng tăng lãi suất rồi quyết định tăng lãi suất trên thực tế.
Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là “mắt xích yếu nhất nằm ở nền kinh tế mới nổi nào?”. Theo trang tin tài chính trực tuyến của Đức, những nền kinh tế mới nổi chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi quyết định tăng lãi suất của FED là Brazil, Nam Phi và Nga.
Trong đó, theo tờ Đông phương Nhật báo của Hong Kong, kinh tế Brazil đã có hai quý suy thoái liên tục sẽ đổ vỡ đầu tiên, Nam Phi được coi là đối tượng tiếp theo có nguy cơ cao, còn Nga do chịu ảnh hưởng bởi giá dầu thấp cũng sẽ chịu đòn giáng nặng nề.