Nguy cơ khủng hoảng tài chính Trung Quốc: Tác động và hành động của Việt Nam

TS. Lê Huy Khôi – Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường – Viện Nghiên cứu Thương mại

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy giảm và với vị trí nằm ngay sát Trung Quốc, nên Việt Nam sẽ bị phụ thuộc và chịu tác động cả về mặt trực tiếp lẫn gián tiếp và cả tích cực lẫn tiêu cực đối với nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trong thời gian gần đây, các vấn đề vĩ mô của Trung Quốc đang rơi vào tình trạng ngày càng xấu đi, điển hình là tình trạng nợ xấu (Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng vọt từ 150% lên gần 260% trong một thập kỷ qua), dư thừa công suất, sụt giảm tăng trưởng, và có thể khiến nền kinh tế số hai thế giới rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài.

Nếu “Người khổng lồ” gục ngã

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy giảm, với vị trí nằm ngay sát Trung Quốc, nên Việt Nam sẽ bị phụ thuộc và chịu tác động cả về mặt trực tiếp lẫn gián tiếp và cả tích cực lẫn tiêu cực đối với nền kinh tế. Cụ thể:

Thứ nhất, Trung Quốc là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Dẫn chứng là nếu như năm 2002, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 8,9% tổng nhập khẩu, thì đến năm 2011, tỷ lệ này đã là 23,3% và tăng lên 27% vào năm 2013. Trong năm 2015, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 49,3 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng kim ngạch.

Trong khi đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc hầu như không đổi, chỉ chiếm trên dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, mặc dù có sự gia tăng nhẹ sau 2010 và lên 13% vào năm 2013. Năm 2015 tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt trên 66 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 17,14 tỷ USD, là mức khá thấp so với tiềm năng. Trong 7 tháng của năm nay, kim ngạch đạt 38,2 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ.

Do vậy, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, trước hết có thể tác động đến thương mại Việt Nam – Trung Quốc theo hướng giảm xuất khẩu của Việt Nam, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên. Tín hiệu giảm tốc khá rõ rệt của kinh tế Trung Quốc có thể sẽ xuất hiện một cuộc “xuất khẩu khủng hoảng” hàng Trung Quốc sang Việt Nam.

Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo đánh giá, nếu Trung Quốc giảm 1% tăng trưởng, thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ bị giảm khoảng 0,2%.

Theo kịch bản dự báo của Trung tâm nghiên cứu của BIDV. Trường hợp, nếu nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, Nhân dân tệ giảm giá tối đa 5% so với USD.

Khi đó, tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,8%, lạm phát 2,5 – 3%, nhập siêu dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Trường hợp, nếu nền kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh, Nhân dân tệ giảm giá nhanh tới 7 – 8% so với USD. Khi đó, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chỉ còn 6,5%, lạm phát rất thấp 1-1,5%. Nhập siêu nới rộng, đặc biệt là từ Trung Quốc, có thể lên đến 8 – 9 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn, chịu tình trạng ép cạnh tranh lớn về giá.

Thứ ba, để hỗ trợ cho nền kinh tế suy giảm, Trung Quốc sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Tác động của việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc sẽ là rất rõ nét đối với Việt Nam về mặt danh nghĩa. Suy giảm kinh tế và phá giá đồng NDT cũng có thể dẫn đến hệ lụy làm cho dòng đầu tư vào Việt Nam bị giảm sút do giá nguyên liệu tăng cao và phần lớn nguyên liệu sử dụng của các doanh nghiệp FDI là nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thứ tư,nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chắc chắn Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục giảm mạnh lãi suất. Việc hạ lãi suất về ngắn hạn có thể có tác động tiêu cực đáng lo ngại cho doanh nghiệp Việt Nam. Khi lãi suất giảm, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng khả năng sản xuất, hàng hóa Trung Quốc sẽ nhiều và cạnh tranh về giá. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc càng khó khăn.

Việt Nam cần chủ động

Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ cần tiếp tục chủ động, đưa ra những giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đem lại từ sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình của Trung Quốc để có những điều chỉnh kịp thời về chính sách, như vậy mới có thể giảm tối đa những tổn thất.

Ngoài ra, việc điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt, hiệu quả, kết hợp với chính sách tài khóa, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá, thúc đẩy xuất khẩu.

Cuối cùng, nhanh chóng thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, hình thành các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu là đầu mối cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như: dệt may, da giày, cơ khí…