Vì sao không ai tin thị trường Trung Quốc?
Tình trạng thao túng giá và thiếu minh bạch thông tin đang đẩy nhà đầu tư rời khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Khi cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc công bố kế hoạch hủy niêm yết với Dandong Xintai Electric vì tội làm giả tài liệu IPO, thông tin này chẳng mấy được chú ý. Nhưng điều này cho thấy, Trung Quốc có thể sắp tiến hành những thay đổi sâu rộng trên thị trường vốn của nước này.
Xintai là công ty đầu tiên bị loại khỏi sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến vì vi phạm trên. Đây cũng là một trong số ít những công ty từng bị hủy niêm yết ở Trung Quốc. Động thái mạnh tay này cho thấy, cơ quan quản lý đang phải đối mặt với những sự thật không mong muốn về thị trường vốn Trung Quốc.
Xét trên nhiều phương diện, các thị trường vốn của Trung Quốc không hoạt động theo cơ chế thị trường. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần can thiệp ở quy mô lớn để vực dậy giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, phần lớn tiền đầu tư vào thị trường trái phiếu đang được chuyển cho các doanh nghiệp nhà nước. Trung Quốc không có một thị trường phái sinh đúng nghĩa nào. Báo cáo tài chính được các doanh nghiệp công bố thường có vấn đề và những nghi vấn về giao dịch nội gián và quản trị doanh nghiệp vẫn còn phổ biến.
Tất cả những điều này là triệu chứng của một căn bệnh trầm kha: hệ thống quản lý không tập trung làm minh bạch thông tin và thiết lập cơ chế thị trường, mà chỉ chăm chăm thao túng giá tài sản và phân bổ lợi nhuận.
Ở hầu hết quốc gia, khi doanh nghiệp cân nhắc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), cơ quan quản lý sẽ yêu cầu họ phải cung cấp thông tin chính xác, rồi sau đó để thị trường quyết định giá.
Trong khi đó, Trung Quốc lại đang làm điều ngược lại. Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra tình hình tài chính và lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, đặt giá chào bán, và sau đó để thị trường mò mẫm xem công ty nào gian dối hoặc giấu diếm thông tin.
Kết quả là các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, đều mất niềm tin vào thị trường Trung Quốc. Tính đến tháng 7, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức MSCI đã liên tục từ chối đưa chứng khoán Trung Quốc vào các bộ chỉ số tham chiếu của mình.
Ngay cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn rất năng nổ của Trung Quốc cũng đang im hơi lặng tiếng. Tài khoản đầu tư cá nhân có mức nắm giữ nhỏ hơn 500.000 nhân dân tệ (75.188 USD) đã giảm từ 47,4 triệu vào tháng 7/2015 xuống còn 46,8 triệu vào tháng trước.
Sự thiết hụt niềm tin đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của thị trường vốn Trung Quốc. Cổ phiếu của nhiều ngân hàng thương mại lớn ở Trung Quốc đang được giao dịch với hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) chỉ vào khoảng 5, so với mức trung bình là 12 của các ngân hàng thương mại ở nước khác.
Đó là vì nhà đầu tư cho rằng, tình hình tài chính của các ngân hàng này trên thực tế tệ hơn nhiều so với sổ sách. Việc chính phủ Trung Quốc kết nối sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến và Hồng Kông có thể giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các công ty công nghệ phát triển nhanh nhất của nước này, nhưng họ sẽ tránh xa nếu không tin tưởng vào dữ liệu của thị trường.
Việc hủy niêm yết với Xintai cho thấy, cuối cùng chính phủ Trung Quốc đã nhận ra được những tác hại của chính sách thao túng thị trường. Nhưng có một số vấn đề họ vẫn cần phải giải quyết.
Trước hết, Trung Quốc cần tập trung tạo dựng các thị trường chất lượng cao thay vì thiết lập giá chất lượng thấp. Điều này có nghĩa là, họ cần buộc các doanh nghiệp phải công khai thông tin chính xác về tình hình tài chính của mình.
Việc báo cáo thật về tình hình tài chính sẽ khiến tin tức xấu xuất hiện nhiều hơn, ví dụ như thừa nhận có mức nợ xấu cao hoặc lợi nhuận sụt giảm. Nhưng đây không phải là việc đáng sợ với cơ quan quản lý. Trái lại, đó là việc bình thường ở một thị trường lành mạnh.
Sau đó, Trung Quốc cần tạo dựng cơ chế thị trường cho hoạt động định giá, minh bạch thông tin và giao dịch. Từ trước đến nay, Bắc Kinh luôn đánh đồng giá cổ phiếu cao với thị trường hoạt động tốt. Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành một trung tâm tài chính có sức chi phối, nếu nhà đầu tư không tin vào tính công bằng của thị trường vốn ở đây.
Giống như việc nhà đầu tư không còn có thể dựa vào tăng trưởng kinh tế hai con số ở Trung Quốc để giải cứu họ khỏi những quyết định thua lỗ ở nơi khác, nước này không còn có thể dựa vào giá cổ phiếu tăng mãi để thu hút nguồn vốn mới.
Nếu động thái loại bỏ Xintai là nghiêm túc, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thừa nhận một thực tế không mong muốn về thị trường: để hoạt động tốt, nó phải có lên có xuống.