Nguyên nhân nợ xấu và biện pháp xử lý của các ngân hàng thương mại Việt Nam

TS. Tôn Thất Viên - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH),

Nghiên cứu này phân tích, đánh giá thực trạng nợ xấu và nguyên nhân ảnh hưởng đến nợ xấu tại 31 ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Nghiên cứu này sử dụng phần mềm SPSS 20 là phù hợp với tổng số phiếu phát ra là 250 phiếu, tổng số phiếu thu về là 223 phiếu, trong đó có 212 phiếu đáp ứng tiêu chuẩn phân tích. Các phiếu thu về hợp lệ được mã hóa và nhập vào phần mềm SPSS để thực hiện các bước phân tích. Kết quả phân tích cho thấy, các biến quan điểm lãnh đạo về quản lý nợ xấu; khả năng tài chính; văn hóa quản lý rủi ro tín dụng; cách thức tổ chức thực hiện quản lý nợ xấu; nhân viên kinh doanh; công nghệ đều tác động đến nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Qua đó, bài viết đề xuất một số biện pháp xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Đặt vấn đề

Hiện nay, việc quản lý và xử lý nợ xấu là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng. Nợ xấu tồn tại là tất yếu khách quan trong hoạt động tín dụng, việc duy trì nợ xấu ở mức độ an toàn là mục tiêu quan trọng của các ngân hàng thương mại (NHTM). Nợ xấu không chỉ là nguyên nhân cơ bản gây mất an toàn, làm gia tăng trích lập dự phòng rủi ro, gia tăng chi phí xử lý nợ xấu, từ đó gây sụt giảm lợi nhuận kỳ vọng của ngân hàng mà còn ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nợ xấu còn ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng và hệ thống ngân hàng cũng như nền tài chính quốc gia.

Quản lý nợ xấu (QLNX) là hoạt động quan trọng để các ngân hàng xác định nguyên nhân, dự báo tổn thất, từ đó có biện pháp kiểm soát, xử lý hiệu quả nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng và nguyên nhân nợ xấu của các NHTM Việt Nam sẽ mang lại những hàm ý hữu ích, từ đó đề xuất các biện pháp xử lý...

Thực trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Kết quả thực hiện

- Thống kê mô tả các biến hồi quy: Nghiên cứu thực hiện phân tích hồi quy nhằm khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của các giả thuyết và mô hình nghiên cứu, trước tiên cần tổng hợp giá trị trung bình tương ứng các nhân tố độc lập của mô hình. Đề tài sử dụng thang đo Likert 5 mức độ trong bảng khảo sát để tổng hợp giá trị trung bình của từng nhân tố độc lập trong mô hình.

Đối với thang đo Likert 5 mức độ trong bảng khảo sát, Giá trị khoảng cách = (Maximum - Minimum)/n = (5-1)/5 = 0,8. Khi đó, ý nghĩa mức đánh giá các tiêu chí như sau: Từ 1,00 - 1,80: Hoàn toàn không đồng ý; Từ 1,81 - 2,60: Không đồng ý; Từ 2,61 - 3,40: Bình thường; Từ 3,41 - 4,20: Đồng ý; Từ 4,21 - 5,00: Hoàn toàn Đồng ý.

Nhận xét: Giá trị trung bình của hầu hết các biến đều xoay quanh giá trị 4,3 điều này cho thấy mức độ tương xứng của các biến với nhau. Biến độc lập có giá trị trung bình nhỏ nhất là B (3,65) chênh lệch so với biến phụ thuộc là - 0,92 và biến độc lập có giá trị trung bình cao nhất là A (4,67), chênh lệch so với biến phụ thuộc là + 0,1.

- Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình: Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính cho thấy, mô hình có R2 = 0,688 và R2 hiệu chỉnh = 0,672. Chúng ta thấy độ thích hợp của mô hình là 68,8%, hay nói một cách khác 68,8% sự biến thiên của yếu tố hoạt động QLNX (G) được giải thích bởi 6 yếu tố.

Hệ số Durbin - Watson bằng 1,881; gần bằng 2, chứng tỏ phần dư không có tương quan chuỗi bậc nhất. Như vậy, có nghĩa là có sự tác động cùng chiều của các nhân tố đến đánh giá hoạt động nợ xấu (HĐNX) trong mô hình nghiên cứu.

Bảng phân tích phương sai cho thấy: Sig = 0,000, mô hình hồi quy xây dựng phù hợp với dữ liệu thu được và các biến đưa vào đều có ý nghĩa thống kê, mức ý nghĩa 5%.

Kết quả chạy mô hình nghiên cứu

Bảng 1: Kết quả phân tích thống kê mô tả các thành phần của mô hình

STT

Biến quan sát

Giá trị trung bình

Quan điểm lãnh đạo về quản lý nợ xấu

4,67

1

A1

4,58

2

A2

4,64

3

A3

4,79

Khả năng tài chính

3,65

4

B1

3,34

5

B2

3,68

6

B3

3,94

Văn hóa quản lý rủi ro tín dụng

4,45

7

C1

4,38

8

C2

4,27

9

C3

4,64

10

C4

4,51

Cách thức tổ chức thực hiện quản lý nợ xấu

4,34

11

D1

4,26

12

D2

4,47

13

D3

4,29

Nhân viên kinh doanh

4,28

14

E1

4,18

15

E2

4,35

16

E3

4,31

Công nghệ

4,12

17

F1

4,16

18

F2

4,27

19

F3

3,93

Đánh giá hoạt động nợ xấu

4,57

20

G1

4,69

21

G2

4,47

22

G3

4,55

Nguồn: Tính toán của tác giả

Bảng 2: Độ phù hợp của mô hình Model Summaryb

Model

R

R Square

Adjusted R Square

Std. Error of the Estimate

Durbin- Watson

1

.830a

.688

.672

.20411

1.881

a. Predictors: (Constant), A, B, C, D, E, F

b. Dependent Variable: Đánh giá HĐNX

Nguồn: Tính toán của tác giả

Bảng 3: Phân tích phương sai ANOVAb

Model

Sum of Squares

df

Mean Square

F

Sig.

1

Regression

28.263

6

4.711

163.423

.000a

 

Residual

5.656

205

.029

   
 

Total

33.919

211

     

a. Predictors: (Constant), A, B, C, D, E, F

b. Dependent Variable: Đánh giá HĐNX

Nguồn: Tính toán của tác giả

Bảng 4: Kết quả phân tích hồi quy Coefficientsa

Model

Unstandardized Coefficients

Standardized Coefficients

t

Sig.

Collinearity Statistics

B

Std.Error

Beta

   

Tolerance

VIF

1

(Constant)

.308

.266

 

1.920

.001

   
 

A

.068

.069

.069

.491

.008

.967

1.034

 

B

.212

.043

.247

15.181

.006

.830

1.205

 

C

.035

.015

.014

.438

.001

.872

1.147

 

D

.453

.038

.429

27.972

.000

.986

1.014

 

E

.128

.021

.108

6.359

.003

.737

1.357

 

F

.106

.049

.139

5.819

.001

.989

1.011

a. Dependent Variable: Đánh giá HĐNX

Nguồn: Tính toán của tác giả

Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá trị Sig. tổng thể và các biến độc lập: A, B, C, D, E, F đều nhỏ hơn 0,05. Điều này chứng tỏ các yếu tố này đều có ý nghĩa trong mô hình và tác động đến đánh giá HĐNX. Hệ số Hồi quy chuẩn hóa Beta của các biến độc lập đều mang dấu dương, tức là biến phụ thuộc sẽ biến thiên cũng chiều với từng biến độc lập. Như vậy, phương trình hồi quy của mô hình thể hiện mức độ ảnh hưởng của 6 nhân tố: A (Quan điểm lãnh đạo về QLNX), B (Khả năng tài chính), C (Văn hóa quản lý rủi ro tín dụng- RRTD), D (Cách thức tổ chức thực hiện QLNX), E (Nhân viên kinh doanh), F (Công nghệ) đến đánh giá HĐNX như sau:

G = 0,308 + 0,069A + 0,247B + 0,014C + 0,429D
+ 0,108E + 0,139F

Phương trình trên cho thấy, đánh giá HĐNX có quan hệ tuyến tính với 6 nhân tố, trong đó nhân tố Cách thức tổ chức thực hiện QLNX (D) có mức độ ảnh hưởng cao nhất đến đánh giá HĐNX với hệ số hồi quy Beta bằng 0,429 và nhân tố ít tác động đến đánh giá HĐNX nhất là Văn hóa quản lý RRTD với hệ số hồi quy Beta bằng 0,014.

Để tăng cường đánh giá HĐNX chú trọng đến các nhân tố ảnh hưởng theo thứ tự ưu tiên như sau: Cách thức tổ chức thực hiện QLNX; Khả năng tài chính; Công nghệ; Nhân viên kinh doanh; Quan điểm lãnh đạo về QLNX; Văn hóa quản lý RRTD. Mặt khác, phương trình của mô hình thể hiện mức độ ảnh hưởng của 6 nhân tố đến đánh giá HĐNX thể hiện qua hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa được biểu diễn như sau:

G = 0,308 + 0,068A + 0,212B + 0,035C + 0,453D
+ 0,128E + 0,106F

Khi nhân tố cách thức tổ chức thực hiện QLNX (D) tăng lên 1 đơn vị thì đánh giá QLNX sẽ tăng lên 45,3% tương ứng. Khi nhân tố quan điểm lãnh đạo về QLNX (A) tăng lên 1 đơn vị thì QLNX được đánh giá tăng lên 6,8%. Tương tự, với các biến còn lại. Cũng từ kết quả thống kê mô tả các biến hồi quy độc lập (A-F) theo Bảng 1, biến B (Khả năng tài chính) có điểm trung bình thấp nhất với các thành phần B1 có điểm số 3,34; B2 có điểm số 3,68 và B3 có điểm số 3,94. Điều này hàm ý Khả năng tài chính đầu tư cho đánh giá HĐNX của các NHTM chưa thực sự được chú trọng.

Hoạt động đầu tư cho đào tạo nhân viên và công nghệ thông tin cũng như hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định, quy trình nội bộ về QLNX trên thực tế đòi hỏi các ngân hàng cần đầu tư nhiều hơn nữa kinh phí. Biến A (Quan điểm lãnh đạo về QLNX) đạt điểm trung bình cao nhất (4,67), qua đó cho thấy quan điểm thận trọng của các ngân hàng về QLNX.

Các biến E (Nhân viên kinh doanh) và F (Công nghệ) có điểm số chưa thực sự cao, lần lượt là 4,28 và 4,12. Trong đó, công nghệ được đánh giá chưa cao cho việc ứng dụng các mô hình, công cụ hiện đại trong QLNX, cũng như thu thập dữ liệu khách hàng một cách đầy đủ, chính xác. Kiến thức và trình độ chuyên môn cũng là điểm yếu của đội ngũ nhân sự trong đánh giá HĐNX với số điểm trung bình của thành phần E1 chỉ đạt 4,18.

Hạn chế, nguyên nhân

Hạn chế

Thứ nhất, các NHTM Việt Nam thường dựa trên một hệ thống văn bản nội bộ chủ yếu về quản trị rủi ro tín dụng, chưa có một văn bản, quy định cụ thể, tách biệt nào về QLNX tại ngân hàng. Điều này khiến công tác QLNX của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi không được điều chỉnh bởi một hành lang pháp lý rõ ràng và chi tiết.

Thứ hai, các NHTM Việt Nam chưa phân biệt rõ ràng giữa quản lý RRTD và QLNX, từ đó đẫn đến chưa phân quyền quản lý theo đặc điểm ngành để phân tích và có những biện pháp quản lý, xử lý kịp thời. Việc quản lý khách hàng và người có liên quan thực hiện chưa chặt chẽ, thống nhất và mang tính hệ thống.

Thứ ba, việc phân tích, thẩm định khoản vay của khách hàng nhằm phát hiện nợ xấu dựa vào kinh nghiệm của cán bộ, nhân viên tín dụng. Điều này dẫn đến tình trạng bỏ sót các khoản nợ có tiềm ẩn rủi ro cao, tính chính xác, tin cậy của các kết luận tín dụng thấp do kinh nghiệm của con người không phải lúc nào cũng chính xác và phù hợp với những thay đổi của thực tế.

Thứ tư, các biện pháp khai thác nợ tại các NHTM Việt Nam nhìn chung vẫn chưa phát huy được tác dụng, chưa xử lý được triệt để nợ xấu của khách hàng. Chủ yếu các ngân hàng vẫn sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Biện pháp này, gây ảnh hưởng tài chính đến các ngân hàng bởi nó làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng.

Thứ năm, công tác thẩm định tài sản đảm bảo còn nhiều bất cập, phần lớn các NHTM Việt Nam chưa ban hành quy trình chuẩn quy định các bước cần làm trong khâu thẩm định tài sản, cũng như hệ thống các tiêu chí, nội dung cụ thể để xác định giá trị của tài sản đảm bảo.

Giá trị tài sản đảm bảo được xác định phần nhiều dựa vào cảm tính, kinh nghiệm của cán bộ, nhân viên thẩm định. Điều này rất dễ gây rủi ro cho các ngân hàng khi mà giá trị tài sản đảm bảo được định giá cao hơn giá trị thực, giá trị thị trường sẽ khiến các ngân hàng cho vay số tiền lớn hơn hạn mức quy định cũng như rủi ro không thu hồi đủ vốn vay từ giá trị tài sản đảm bảo.

Thứ sáu, kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các NHTM Việt Nam vẫn còn khá nhiều hạn chế, tính độc lập với Ban điều hành chưa cao, khả năng chủ động tiếp cận, nắm bắt thông tin còn hạn chế. Ngoài ra, bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ đôi khi còn bao che cho những sai phạm của đồng nghiệp...

Nguyên nhân

Một là, QLNX là một hoạt động phức tạp, đòi hỏi các ngân hàng phải có tầm nhìn, chiến lược dài hạn, cũng như các mục tiêu cụ thể, rõ ràng liên quan trực tiếp đến công tác nhân sự từ nhân viên đến lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng trong việc nhận thức khi thực thi nhiệm vụ còn e dè, chưa dứt khoát, còn cả nể khi đồng nghiệp có sai phạm.

Hai là, thiếu kế hoạch tài chính để đầu tư phát triển công nghệ trong hoạt động QLNX của các NHTM Việt Nam chưa được coi trọng, chưa phù hợp với những quy định chuẩn mực của Uỷ ban Basel.

Ba là, trong QLNX của các NHTM Việt Nam còn có những vụ việc sai phạm, lợi dụng thẩm quyền để trục lợi, gây tổn thất cho các ngân hàng, dẫn tới nợ xấu, mất vốn vẫn diễn ra thường xuyên. Tuy vậy, hệ thống pháp lý xử phạt của các ngân hàng chưa đủ mạnh để răn đe đối với các hành vi liên quan đến quản lý.

Bốn là, thời gian qua, hoạt động thanh tra, giám sát của NHNN chưa thực sự mang lại hiệu quả, chưa phát huy được mục tiêu nhằm phát hiện sai phạm trong hoạt động của các NHTM Việt Nam, kịp thời có các biện pháp xử lý, khắc phục.

Năm là, có một bộ phận không nhỏ khách hàng có thái độ chây ỳ, không hợp tác hoặc cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ với các ngân hàng, làm ảnh hưởng đến hoạt động, cũng như gây tổn thất về mặt tài chính cho ngân hàng.

Sáu là, một trong những rào cản lớn nhất chính là vấn đề pháp lý về việc hình thành và hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm trong việc xử lý nợ xấu của các NHTM Việt Nam.

Giải pháp quản lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, cần triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, ban hành văn bản hướng dẫn nhận biết nợ xấu, các tiêu chí, dấu hiệu nhận biết đối với các nhóm khách hàng phân theo ngành kinh tế đặc thù và ngành trọng điểm. Theo đó, các NHTM cần ban hành quy định cụ thể trong lựa chọn khách hàng mục tiêu nhằm giúp các bộ phận quản lý, thẩm định, rà soát phía sau có định hướng rõ ràng, tiết kiệm thời gian trong việc lọc khách hàng.

Thứ hai, có các chính sách về đầu tư kinh phí cho hoạt động QLNX, được chia thành chính sách ngắn, trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, trước mắt cần mở các lớp, các khóa học đào tạo, bồi dưỡng về QLNX; nâng cao chế độ khen thưởng cho cán bộ, nhân viên đạt thành tích cao trong QLNX, thuê chuyên gia, nhà quản lý giỏi có kinh nghiệm nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực QLNX về giảng dạy, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm…

Thứ ba, các NHTM cần xây dựng nguồn thông tin từ Hệ thống kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW), Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, Hệ thống Quản lý rủi ro tín dụng và các nguồn thông tin bên ngoài thu thập được, thông tin trên Trung tâm thông tin Tín dụng (CIC)… phải đảm bảo tính cân xứng, đáng tin cậy.

Thứ tư, các NHTM nghiên cứu nâng cao tỷ lệ và chất lượng cho vay có tài sản bảo đảm, vì tài sản bảo đảm chính là nguồn trả nợ thứ hai của khách hàng. Đây là cơ sở giúp các ngân hàng thu hồi vốn cho vay trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát QLNX của các NHTM, đặc biệt là đối với các lĩnh vực nhạy cảm, chứa đựng nhiều rủi ro. Để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, cần triển khai trên cả hai khía cạnh: (i) Kiểm tra, giám sát ở cấp độ giao dịch; (ii) Kiểm tra, giám sát ở cấp độ danh mục.

Thứ sáu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động QLNX, hỗ trợ ngân hàng thực hiện các công việc như quản lý hồ sơ vay, thông tin khách hàng, quản lý tài sản đảm bảo, hỗ trợ công tác thu hồi nợ, hệ thống cảnh báo sớm… Đồng thời, các ngân hàng cần có chiến lược phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong dài hạn với các kế hoạch cụ thể từng giai đoạn phát triển của ngân hàng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2010), Luật Ngân hàng Nhà nước, Số 46/2010/QH12 ngày 16/06/2010;
  2. Quốc hội (2010), Luật Các Tổ chức tín dụng, Số 47/2010/QH12 ngày 16/06/2010;
  3. Ngân hàng Nhà nước (2014), Thông tư số 09/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  4. Ngân hàng Nhà nước (2016), Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
  5. Các mgân hàng thương mại (2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023), Báo cáo thường niên hàng năm của 31 ngân hàng thương mại.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2024