Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng âm trong tháng đầu năm

Tuấn Thủy

Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 1/2024 đã giảm 0,6% so với đầu năm 2023, mức giảm xảy ra tại hầu hết các nhóm ngân hàng thương mại.

NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%.
NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%.

Giảm theo bối cảnh chung của nền kinh tế

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đạt 13,71% tính đến cuối năm 2023, tuy nhiên, đến cuối tháng 1/2024 đã giảm 0,6% so với đầu năm 2023.

Trong đó, mức giảm ở 5/9 nhóm tổ chức tín dụng (TCTD): Nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước giảm 0,88%, nhóm NHTM cổ phần giảm 0,51%, nhóm ngân hàng TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu giảm 2,22%, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài giảm 0,32%, nhóm ngân hàng liên doanh giảm 3,41%.

Lý giải nguyên nhân tín dụng tháng đầu năm tăng trưởng âm, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng vẫn gặp khó khăn và giảm so với cuối năm 2023 do khó khăn của nền kinh tế, nhất là cho vay tiêu dùng; cầu tín dụng của nền kinh tế giảm do cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh giảm; một số nhóm khách hàng (nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa) có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; quy luật mùa vụ…

“Tăng trưởng tín dụng giảm trong bối cảnh giảm chung của nền kinh tế chứ không phải giảm do cơ chế chính sách hay hoạt động cho vay của các ngân hàng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Giảm do tính chất mùa vụ

Ngay từ những ngày đầu năm, các NHTM đã tập trung triển khai các giải pháp kích cầu tín dụng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Theo ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank, ngân hàng này đã tập trung chỉ đạo công tác tăng trưởng tín dụng ngay sau khi được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Theo đó, Ngân hàng đã thay đổi mạnh mẽ tư duy trong quan hệ với khách hàng, đặc biệt trong công tác tín dụng, chủ động tìm kiếm và có chính sách thu hút đối với các khách hàng hoạt động kinh doanh khả thi, có hiệu quả; chủ động tổ chức, tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Ông Vượng cho biết, từ đầu năm 2024, để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, Agribank đã 2 lần giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3% - 0,5% và một lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm từ 0,5% - 1%. Hiện lãi suất cho vay bình quân của Agribank giảm 0,42%/năm so thời điểm đầu năm 2023 và giảm 0,13% so với thời điểm đầu năm 2024 (phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9-9,5%/năm đối với cho vay trung dài hạn).

“Đến tháng 1/2024, dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,54 triệu tỷ đồng, giảm 15.000 tỷ đồng, giảm 0,97% so với đầu năm. Dư nợ của Agribank giảm tương đối đồng đều ở tất cả các khu vực. Tuy dư nợ giảm mạnh vào những ngày đầu tháng 1/2024, nhưng đến giữa tháng 1/2024, dư nợ đã tăng trưởng trở lại 7.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tăng trưởng tốt ở một số tỉnh Tây Nam Bộ (Hậu Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang), Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình)…”, ông Vượng chia sẻ.

Lãnh đạo Agribank giải thích, do đặc thù tín dụng của Ngân hàng tập trung phần lớn tại lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mang tính chất mùa vụ, do đó nhu cầu tín dụng thường tập trung vào các tháng cuối năm để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và vụ đông xuân. Đến quý I, khách hàng thường trả nợ khi có dòng tiền về, đặc biệt là thời điểm tết nguyên đán.

“Doanh số cho vay tháng 1/2024 đạt 206.000 tỷ đồng, cao hơn 66.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, Agribank vẫn đang thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế”, ông Vượng nói.