Nhà băng ngoại tấn công thị trường cho vay
Trước đây, các ngân hàng NH 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam chủ yếu cung cấp dịch vụ và cho vay đối với doanh nghiệp (DN) FDI.
Nhưng hiện nay chiến lược kinh doanh của các NH này đã có sự thay đổi, mảng tín dụng trở thành mảnh đất màu mỡ mà NH nào cũng muốn khai thác.
Cạnh tranh bằng lãi suất
Tháng 7/2017, thông báo từ NHNN cho biết đã chấp thuận nguyên tắc về việc United Overseas Bank Limited (UOB) thành lập NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Song song đó, NHNN cũng đã chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc của UOB Việt Nam và yêu cầu UOB tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định và hướng dẫn của NHNN để trình Thống đốc NHNN xem xét, quyết định cấp giấy phép thành lập và hoạt động UOB Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, đây là NH đến từ Singapore đầu tiên được chấp thuận về nguyên tắc thành lập NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Hiện diện tại Việt Nam hơn 2 thập niên qua chủ yếu với vai trò nhà đầu tư, cũng như kết nối đầu tư cho khách hàng châu Á vào Việt Nam, nhưng kể từ khi công bố ý định trở thành NH 100% vốn ngoại tại Việt Nam, UOB lại nhanh chóng tấn công vào thị trường cho vay. Và để cạnh tranh ngay từ đầu, NH này đã áp dụng lãi suất cho vay thuộc mức thấp nhất thị trường.
Hồi tháng 3/2017, những khách hàng có quan hệ giao dịch với UOB tại Việt Nam đã được chào mời vay mua ô tô với tỷ lệ cho vay lên tới 80% giá trị xe, lãi suất 5,8%/năm trên dư nợ giảm dần và được cố định 6 tháng đầu tiên. Từ tháng thứ 7 trở đi áp dụng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank + biên độ 3,5%, tương đương 10%/năm. Nếu so sánh với lãi suất vay mua ôtô của các NH nội, lãi suất của UOB tối ưu hơn rất nhiều.
Còn với vay mua nhà, khi vay lãi suất thả nổi, chỉ trả lãi suất 7,99%/năm cho năm đầu, năm thứ hai 8,24%/năm, năm thứ 3 và năm thứ 4 trở đi 8,39%/năm. Song song đó còn có gói lãi suất cố định 3 năm với số tiền vay ít nhất 800 triệu đồng tối thiểu 5 năm, chỉ trả lãi suất 3 năm đầu 8,35%/năm và từ năm thứ 4 trở đi 9,49%/năm.
Gói lãi suất cố định 3 năm với số tiền vay ít nhất 1,6 tỷ đồng tối thiểu 5 năm áp dụng lãi suất 8%/năm trong suốt 3 năm đầu và sau đó áp dụng lãi suất 9,49%/năm. Mức lãi suất này tương đương lãi suất trung và dài hạn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của các NHTM trong nước.
Lợi thế nguồn vốn rẻTheo thống kê của NHNN, tính đến cuối năm 2016, hệ thống các TCTD Việt Nam đã có 8 NH 100% vốn nước ngoài đã được thành lập và hoạt động, gồm ANZ Việt Nam, HSBC Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, Public Bank Việt Nam, CIMB Việt Nam và Woori Việt Nam.
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá, trước đây các NH 100% vốn nước ngoài tập trung hỗ trợ cho các DN FDI và có vẻ e ngại khách hàng trong nước, nhưng gần đây đã có sự chuyển hướng, tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách tăng trưởng tín dụng thay vì chỉ tìm kiếm lợi nhuận từ dịch vụ ngoại hối và phí. Theo đó, các NH ngoại cũng đã hái được quả ngọt từ mảng này.
Năm 2016, HSBC Việt Nam đã ghi nhận thu nhập lãi thuần từ hoạt động cho vay truyền thống đạt 2.307 tỷ đồng, đóng góp lớn vào khoản lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.440 tỷ đồng, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây của NH này. Do đó, càng ngày sự cạnh tranh cho vay của các NH ngoại tại Việt Nam càng gay gắt, rất nhiều NH cho vay mua ô tô, mua nhà với lãi suất sau thời hạn ưu đãi chưa đến 10%/năm. Tháng 4-2017, Shinhan Bank Việt Nam cũng đã mua lại mảng bán lẻ của ANZ vì nguyên nhân nguồn lao động dồi dào, sức tiêu dùng tăng mạnh và người dân sẵn sàng vay tiền sẽ là động lực cho thị trường tín dụng cá nhân phát triển.
Một chuyên gia tài chính nhận định, trong mảng tín dụng hiện nay các NH ngoại có nhiều lợi thế hơn NH nội, bởi lãi suất cho vay khá thấp. Mặt bằng lãi suất của các NH nội đang áp dụng tùy theo lĩnh vực và đối tượng khách hàng, trừ những lĩnh vực tiên lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khác khá cao. Còn các NH ngoại được hậu thuẫn vốn với chi phí thấp nên có điều kiện định lãi suất cho vay ở mức thấp hơn. Đó là lợi thế để các NH ngoại “tấn công” vào mảng tín dụng tại Việt Nam.
Hơn nữa, ngoài mảng khách hàng cá nhân, NH ngoại còn có những bước thâm nhập vào hệ thống DN Việt Nam rất chuyên nghiệp. Như UOB đưa ra dự kiến sẽ hỗ trợ thêm DN Việt mở rộng hoạt động thông qua các dịch vụ tư vấn và giải pháp tài chính như tín dụng thương mại, quản lý dòng tiền và tài trợ vốn cho dự án.
Mới đây, NH này đã kết hợp với Toong (chuỗi không gian làm việc chung đầu tiên tại Việt Nam) cùng thực hiện hoạt động hỗ trợ khách hàng DN mà đặc biệt là các công ty công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam và châu Á. Khách hàng sử dụng dịch vụ tại Toong rất đa dạng, bao gồm công ty kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và quy mô nhân sự khác nhau từ 1 đến cả trăm người, chứ không chỉ hoàn toàn là các nhóm khởi nghiệp công nghệ như hầu hết các không gian làm việc chung khác. Do đó khi bắt tay với Toong, đối tượng khách hàng của UOB sẽ đa dạng hơn.