Nhà băng “sống chung với dịch”
Sau cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào ngày 31/3, một đợt giảm lãi suất mới đang diễn ra tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, nên dù phải hy sinh lợi nhuận, nhiều ngân hàng (NH) đã tích cực thực hiện việc giảm lãi suất này.
Tại cuộc họp ngày 31/3, Vietcombank và VietinBank công bố sẽ cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2% cho doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh sản xuất mặt hàng thiết yếu, cũng như thuộc các nhóm ngành ưu tiên để cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Cụ thể, Vietcombank có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay sẽ giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các DN sản xuất mặt hàng thiết yếu được giảm tới 2,5%/năm, lãi vay chỉ còn 4,5-5%/năm. Trong khi VietinBank tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng, lãi vay giảm đến 2%/năm so với trước thời điểm có dịch.
Một ngày sau đó, Agribank cũng công bố gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19, lãi vay thấp hơn 1% đối với khoản vay bằng VNĐ và thấp hơn 0,5% đối với khoản vay bằng ngoại tệ so với lãi suất cho vay cùng loại.
Mạnh tay hơn, BIDV thông báo NH sẽ cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm đến 2%/năm đối với khoản vay VNĐ cho các DN thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng dịch cho khoản vay hiện hữu. Cá nhân đang vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do dịch làm ảnh hưởng đến thu nhập cũng được giảm đến 1%/năm. Những người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ sẽ được giảm 2%/năm kèm theo ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn trong thời gian dịch bệnh. NH cũng có các gói tín dụng hỗ trợ DN có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm đến 2%.
Làn sóng giảm lãi suất đã sớm lan đến các NHTMCP, VIB đã tiên phong mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm 0,5-2% trong 6 tháng cho các khách hàng hiện hữu, bao gồm cả DN lớn, DNNVV và DN siêu nhỏ ở tất cả lĩnh vực. HDBank có gói giảm lãi suất vay ưu đãi 2-4,5% cho các khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước kể từ 31-3. VPBank, TPBank cũng đã có những động thái tương tự.
Dự kiến những ngày tới sẽ có thêm nhiều gói tín dụng lãi suất thấp từ các nhà băng khác, bởi theo NHNN, 20 TCTD (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) trong cuộc họp vừa qua đều đồng thuận rất cao về việc giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch.
Mặc dù giảm lãi suất chỉ trong phạm vi gói tín dụng nhưng mức giảm sâu dự kiến sẽ tác động đến lợi nhuận của các NH. Đơn cử, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ước tính lợi nhuận của NH sẽ giảm 300 tỷ đồng vì chính sách này.
Trong một báo cáo vừa phát hành, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhẹ ở hầu hết NH trong năm nay khi thực hiện chính sách giảm lãi suất theo sự khuyến khích của NHNN. Nhiều khả năng NIM ở các NHTM có vốn nhà nước như BIDV và VietinBank sẽ giảm mạnh hơn so với các NHTMCP, do tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động) cao làm hạn chế dư địa giảm chi phí huy động.
VDSC không loại trừ khả năng NHNN sẽ tiếp tục đề ra các chính sách nhằm giảm lãi suất cho vay sâu hơn nữa. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch có thể có phạm vi lớn, các gói hỗ trợ tín dụng có thể không phải chỉ dành cho DN chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch, mà có thể còn mở rộng ra những DN chịu ảnh hưởng gián tiếp hoặc toàn nền kinh tế. Trong trường hợp đó, các ảnh hưởng của dịch lên NIM của các NH có thể sẽ mạnh hơn dự kiến.
Tỷ lệ NIM bị ảnh hưởng càng mạnh, mức giảm lợi nhuận của các nhà băng sẽ càng cao vì lợi nhuận chủ yếu dựa vào tín dụng. Nhưng theo một chuyên gia tài chính, thời điểm này các NH không thể quan tâm quá nhiều đến hệ số NIM bởi nếu không có đầu ra, ngành NH sẽ càng lâm vào khó khăn. Tín dụng của nền kinh tế tính đến ngày 20-3 chỉ tăng 0,68% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1,9%, cho thấy các DN đang thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh và không có nhu cầu vay tiền.
Quan trọng hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành NH thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh hơn nữa phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và diễn biến tình hình thực tế dịch Covid-19. Chính vì vậy, việc giảm lãi suất để tạo động lực cho đầu ra vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của các NH.
Cũng theo chuyên gia này, dịch bệnh đã tác động rất mạnh lên các DN và cuối cùng đã ảnh hưởng đến các NH. Tuy vậy, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng và năng lực tín dụng của nền kinh tế suy yếu do ảnh hưởng dịch bệnh, các nhà băng sẽ có thêm động lực để thúc đẩy nguồn thu nhập ngoài lãi để cải thiện lợi nhuận như trước nay vẫn nhắc đến.