Nhà đầu tư mong chờ gì khi FED hạ lãi suất?


Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED, điều chỉnh chính sách tiền tệ, các nhà đầu tư và giao dịch đang phải đối mặt với khoảnh khắc đầy thách thức và cơ hội.

Ông Powell cho rằng, việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9 sẽ không liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Ông Powell cho rằng, việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9 sẽ không liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang tiến gần đến việc hạ lãi suất đồng đô la vào tháng 9 tới; cùng với sự kiện ông Donald  Trump chính thức trở thành ứng viên đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tới - đã gây ra hiệu ứng không nhỏ đến môi trường đầu tư, thương mại, chính sách tiền tệ trên quy mô toàn cầu.

Chủ tịch FED Jerome Powell nói: “Nếu chúng ta thấy lạm phát giảm xuống ít nhiều phù hợp với kỳ vọng, tăng trưởng vẫn ở mức khá cao và thị trường lao động vẫn phù hợp với điều kiện hiện tại, thì tôi nghĩ việc cắt giảm lãi suất có thể được đưa ra tại cuộc họp tháng 9 tới.”

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã cảnh báo trong phiên điều trần với ông Powell vào tháng 7 rằng: Việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 17-18/9, bảy tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - có thể được coi là một động thái “chính trị hóa” - làm nổi bật thành tích của đảng Dân chủ trong việc chống lạm phát, cải thiện tâm trạng cử tri; đưa ra lời hứa về tín dụng rẻ trong tương lai gần.

Ông Powell cho rằng, căn cứ duy nhất của FED là tình trạng và định hướng của nền kinh tế cũng như tiến trình lạm phát trở lại mục tiêu 2% hàng năm, chứ không phải động cơ chính trị hay thành tựu của bất kỳ đảng phái nào. Việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9 sẽ không liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới.

Sau động thái mới của FED, hợp đồng tương lai lãi suất, loại chứng khoán phái sinh có thể được sử dụng để đối phó với những biến động của lãi suất ngắn hạn. 

Các chiến lược gia của Goldman Sachs nhận xét, bình luận của Powell cho thấy điều kiện không quá ngặt nghèo cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Báo cáo lạm phát tháng 7 dự kiến sẽ được công bố vào ngày 14/8. Nhưng trước đó, trọng tâm sẽ là báo cáo việc làm tháng 7 công bố vào cuối tuần này. Dự kiến, các nhà tuyển dụng sẽ tạo thêm 175.000 việc làm trong tháng, theo ước tính trung bình của các chuyên gia của Reuters.

Một ngày sau tín hiệu khả quan từ FED, USD index đã giảm thêm 0,38% sau khi đã giảm 1,7% trong tháng 7 so với 6 đồng tiền trong rổ tiền tệ quốc tế. Chỉ số này được dự báo tiếp tục giảm sau tháng 9.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm của BOJ tăng lên mức 0,25% từ khoảng 0-0,1% trước đó. Đây được coi là động thái “lạ” trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương chuẩn bị bước vào đợt hạ lãi suất đồng loạt.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đi trước một bước giảm lãi suất vào tháng 6 về 3,75%. Các chuyên gia tài chính cho rằng có 66% khả năng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm và sau đó sẽ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm một lần nữa trước cuối năm nay.

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới bước vào giai đoạn điều chỉnh chính sách tiền tệ, thì các nhà đầu tư sẽ đối mặt với cả thách thức và cơ hội trong giao dịch trên thị trường tài chính. Khi FED cắt giảm lãi suất, thì chắc chắn giá trị đồng USD sẽ giảm, điều này sẽ khiến tỷ giá các cặp tiền tệ giữa USD và các đồng tiền chủ chốt sẽ biến động khó lường. Việc sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro là cần thiết.

Theo Trương Khắc Hà/Diendandoanhnghiep.vn