Bức tranh sáng tối ngành công nghệ toàn cầu


Mảng sản xuất chip của Samsung quay lại có lãi trong quý 2 nhờ nhu cầu trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ, trong khi tại Mỹ triển vọng của ngành công nghệ ngày càng khó đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư.

Samsung vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan.
Samsung vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan.

Bức tranh sáng ở châu Á

Ngành bán dẫn châu Á đã có nhiều điểm sáng, nhất là ông lớn Samsung. Mảng bán dẫn của Samsung Electronics đã quay lại có lãi trong quý II nhờ nhu cầu mạnh mẽ về chip AI, khi cuộc cạnh tranh để dẫn đầu thị trường chip toàn cầu ngày càng nóng lên.

Samsung cho biết trong quý II bộ phận giải pháp thiết bị của họ ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi cùng kỳ lên 22,5 tỷ USD, trong khi lợi nhuận đạt 4,7 tỷ USD so với mức lỗ 3,4 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Xét trên toàn bộ các mảng, lợi nhuận hoạt động của Samsung Electronics tăng hơn 15 lần lên 8,2 tỷ USD.

"Động lực này tới từ nhu cầu mạnh mẽ về HBM (bộ nhớ băng thông cao) cũng như DRAM truyền thống và SSD máy chủ (ổ cứng thể rắn)," Samsung cho biết trong một tuyên bố.

Thông báo này được đưa ra khi các nhà sản xuất chip toàn cầu đang chạy đua để dẫn đầu thị trường chip AI đang phát triển nhanh chóng do công ty khổng lồ Nvidia của Mỹ chi phối. Samsung đang trải qua quá trình kiểm tra để cung cấp chip HBM của mình cho công ty Mỹ.

Thị trường công nghệ Mỹ thất vọng

Trái ngược với Samsung, doanh thu của hàng loạt gã khổng lồ công nghệ ở Mỹ lại báo hiệu bức tranh u ám. Sau các báo cáo doanh thu giảm sút của các công ty như Tesla và Alphabet, Microsoft cũng vừa công bố báo cáo quý II. Theo đó, kinh doanh mảng điện toán đám mây Azure—một phần trung tâm trong hoạt động AI của hãng— tăng 29%, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng 31% của quý trước và thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích là tăng 30%, theo FactSet. Con số này đã khiến cổ phiếu của hãng này giảm 4% sau khi báo cáo được công bố.

Định giá cổ phiếu công nghệ lớn ở Mỹ quá cao trong khi kết quả kinh doanh quý II không đạt kỳ vọng.
Định giá cổ phiếu công nghệ lớn ở Mỹ quá cao trong khi kết quả kinh doanh quý II không đạt kỳ vọng.

Theo WSJ, Giám đốc Tài chính của Microsoft Amy Hood cho biết tăng trưởng Azure nằm ở mức thấp nhất trong dự báo của công ty do nhu cầu yếu ở một số thị trường châu Âu đối với các dịch vụ không phải AI, cũng như những hạn chế về phần cứng liên quan đến AI.

"Chúng tôi bị hạn chế về khả năng AI, và vì lý do đó, chúng tôi đã ký hợp đồng với các bên thứ ba để giúp đỡ chúng tôi," Hood nói, mô tả các mối quan hệ hợp tác mà Microsoft đã thực hiện với các nhà cung cấp AI khác. 

Sự hứng thú về tiềm năng của AI tạo sinh có thể tạo ra mã máy tính và tóm tắt thông tin phức tạp đã giúp thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ của cổ phiếu Microsoft và các công ty công nghệ khác từ năm ngoái, đặc biệt là nhóm “Bộ 7”.

Tuy nhiên, sự hưng phấn của các nhà đầu tư dường như đang bắt đầu vơi dần khi nhiều ý kiến cho rằng cổ phiếu của các công ty này đã bị định giá quá cao, dẫn đến sự đảo chiều trong cổ phiếu công nghệ. Chỉ số Nasdaq Composite đã giảm khoảng 8% trong vài tuần qua.

Cổ phiếu của công ty mẹ Google, Alphabet, đã giảm 5% vào thứ Tư tuần trước sau khi công ty báo cáo tăng trưởng doanh số quảng cáo đã chậm lại trong khi chi phí vốn gần như tăng gấp đôi. Cổ phiếu của Microsoft đã tăng hơn 12% kể từ đầu năm, nhưng giảm khoảng 6% trong tháng này.

Dù sao, tổng doanh thu của Microsoft trong quý II đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước lên 64,7 tỷ USD. Lợi nhuận ròng là 22 tỷ USD, tăng 10%. Trong quý III, công ty dự kiến tổng doanh thu từ 63,8 tỷ USD đến 64,8 tỷ USD.

Cho đến nay, phần lớn doanh thu từ AI của Microsoft đến từ các dịch vụ đám mây của hãng. Công ty cũng đã tích hợp công nghệ này vào các sản phẩm cốt lõi của mình, như trợ lý AI có tên Copilot cho các sản phẩm như Microsoft 365 và công cụ tìm kiếm Bing của mình. Công ty chưa tách riêng doanh thu từ Copilot.

Theo Trường Đặng/Diendandoanhnghiep.vn