Nhà thầu phải chứng thực tài liệu chứng minh năng lực
Nhà thầu phải gửi kèm theo bản chụp chứng thực các tài liệu như văn bằng, chứng chỉ của nhân sự chủ chốt, các tài liệu về quyết toán thuế… và nhà thầu cần chuẩn bị các tài liệu gốc để phục vụ việc xác minh khi có yêu cầu của bên mời thầu.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về việc về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch: “Công chứng viên có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điểm b, Khoản 2 Điều này, ký chứng thực và đóng dấu của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng”.
Công ty CP Tư vấn đô thị Việt Nam – Vinacity đề nghị giải đáp, trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư yêu cầu Công ty phải ghi rõ nhà thầu phải chuẩn bị các tài liệu chứng minh như: Hợp đồng tương tự, biên bản nghiệm thu, bằng cấp cán bộ... phải được chứng thực bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (không chấp nhận chứng thực của Văn phòng công chứng tư) có phù hợp với quy định không?
Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Lao động, “Người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết”.
Vậy trong trường hợp cá nhân đã ký hợp đồng lao động với đơn vị tư vấn quản lý dự án A để tham gia quản lý dự án B thì cá nhân đó có được ký tiếp hợp đồng lao động với đơn vị tư vấn thẩm tra C để thẩm tra thiết kế dự án A không và cá nhân đã ký hợp đồng lao động với đơn vị tư vấn quản lý dự án A để tham gia quản lý dự án B thì cá nhân đó có được ký hợp đồng lao động với đơn vị tư vấn giám sát D để tham gia giám sát dự án E của cùng một chủ đầu tư triển khai cùng một địa điểm hay không?
Để chứng minh nguồn lực tài chính của nhà thầu thì theo hướng dẫn tại phần ghi chú số (8) Mục 2.1 Chương III và phần ghi chú Mẫu số 12 Chương IV ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT: “Tài sản có khả năng thanh khoản cao là tiền mặt và tương đương tiền mặt, các công cụ tài chính ngắn hạn, các chứng khoán sẵn sàng để bán, chứng khoán dễ bán, các khoản phải thu thương mại, các khoản phải thu tài chính ngắn hạn và các tài sản khác mà có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng một năm”.
Công ty hỏi, trường hợp nhà thầu chứng minh nguồn lực tài chính theo hướng dẫn như trên bằng sổ tiết kiệm ngân hàng có giá trị tương đương thì nhà thầu có phải nộp bản gốc sổ tiết kiệm này trong hồ sơ dự thầu hay không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Hiện nay, các Mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo các Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 và Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định nhà thầu phải gửi kèm theo bản chụp được chứng thực các tài liệu như văn bằng, chứng chỉ của nhân sự chủ chốt, các tài liệu về quyết toán thuế...
Theo đó, việc chứng thực các tài liệu nói trên được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan. Tuy nhiên, nhà thầu phải chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu gốc để phục vụ việc xác minh khi có yêu cầu của bên mời thầu.
Bên mời thầu không tham dự với tư cách nhà thầu
Điểm a, Khoản 6, Điều 89 Luật Đấu thầu quy định một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu là tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư.
Theo đó, cá nhân tham gia làm tư vấn quản lý dự án thực hiện các công việc liên quan trực tiếp đến việc lựa chọn nhà thầu thẩm tra thiết kế hoặc tư vấn giám sát thì việc ký hợp đồng lao động với đơn vị tư vấn thẩm tra thiết kế hoặc tư vấn giám sát sẽ không bảo đảm tính khách quan, công bằng, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Phải chứng minh có tài sản có khả năng thanh khoản cao
Theo hướng dẫn tại Mẫu số 12 Chương IV Mẫu HSMT xây lắp ban hành kèm Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà thầu phải chứng minh có các tài sản có khả năng thanh khoản cao, các hạn mức tín dụng và các nguồn tài chính khác (không phải là các khoản tạm ứng theo hợp đồng) có sẵn để đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính.
Tài sản có khả năng thanh khoản cao là tiền mặt và tương đương tiền mặt, các công cụ tài chính ngắn hạn, các chứng khoán sẵn sàng để bán, chứng khoán dễ bán, các khoản phải thu thương mại, các khoản phải thu tài chính ngắn hạn và các tài sản khác mà có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng một năm.
Theo đó, trường hợp nhà thầu chứng minh tài sản có khả năng thanh khoản cao bằng sổ tiết kiệm thì nhà thầu nộp bản chụp sổ tiết kiệm kèm theo hồ sơ dự thầu để chứng minh nguồn lực tài chính của mình.