Nhân dân tệ kỹ thuật số "thách thức” tiền tệ trong khu vực
Các cơ quan tài chính ở nhiều quốc gia đang cân nhắc mối đe dọa đối với chủ quyền tiền tệ, khi cuộc đua ra mắt tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) đang nóng lên mỗi ngày.
Các nhà phân tích cho biết, Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới đang phát triển tiền tệ kỹ thuật số có chủ quyền quốc gia (CBDC) để cải thiện thanh toán quốc tế; nhưng cùng với đó họ còn có mối lo ngại là một loại tiền kỹ thuật số nước ngoài mạnh hơn có thể thay thế đồng nội tệ, đặc biệt là ở các quốc gia châu Á nhỏ hơn, với hệ thống tài chính kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cũng đánh giá khả năng của CBDC một khi xâm nhập vào các giao dịch hàng ngày, sẽ gây ra tác động lan tỏa, đe doạ thị trường tài chính trong nước và thách thức chủ quyền tiền tệ, mà đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc là một điển hình.
Trong một dự án mang tên “Cầu nối tiền tệ kỹ thuật số đa Ngân hàng Trung ương”, BIS và các Ngân hàng Trung ương từ Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang giải quyết các vấn đề phức tạp về quy định và minh bạch liên quan đến thanh toán xuyên biên giới.
Người đứng đầu Trung tâm Đổi mới BIS, Benoît Cœuré nói: “Trọng tâm của cuộc thảo luận về khía cạnh quốc tế là liệu các CBDC có xâm phạm chủ quyền của một quốc gia hay không? Chúng tôi không muốn các CBDC bị cuốn vào ranh giới của một cuộc chiến công nghệ”.
Trong đó, Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc đang là một trong những sáng kiến CBDC tiên tiến nhất trên thế giới, với các cuộc thử nghiệm được thực hiện ở 11 khu vực và thành phố; và kế hoạch thử nghiệm tại các địa điểm trong Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022.
BIS cho biết thêm, các thỏa thuận đa CBDC, tham gia vào khối chung các loại tiền kỹ thuật số xuyên biên giới có thể mang lại những lợi ích đáng kể, trong bối cảnh các nước G20 đẩy mạnh ưu tiên tăng cường thanh toán xuyên biên giới. Theo một cuộc khảo sát gần đây nhất với 50 Ngân hàng Trung ương, 28% đang nghiên cứu cách tạo ra tiền kỹ thuật số có chủ quyền, có khả năng tương thích với các hệ thống thanh toán quốc tế.
Mới đây, Mạng lưới đổi mới tài chính ASEAN, được thành lập bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Hiệp hội ngân hàng ASEAN cũng cho biết họ sẽ ra mắt tiền tệ kỹ thuật số để cho phép các ngân hàng và công ty fintech thử nghiệm ứng dụng CBDC trong thanh toán đa tiền tệ, tương thích trên nhiều hệ thống.
Điều này nhằm chuẩn bị cho việc khi đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc hoạt động đầy đủ và các quốc gia khác có đồng tiền riêng của họ, hoạt động trao đổi ngoại tệ được kỳ vọng sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn nhiều so với chuyển khoản ngân hàng thông thường. Nhưng để đồng NDT kỹ thuật số được lưu hành rộng rãi, các Ngân hàng Trung ương châu Á và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đều cần phải chấp nhận việc sử dụng xuyên biên giới.
“Nếu đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số trở nên thuận tiện như vậy, được chấp nhận vào ngày 7/11 tới đây và chẳng hạn, các doanh nghiệp khác ở Thái Lan cũng chấp nhận điều này, thì không có lý do gì tôi lại mang theo tiền mặt cứng bằng đồng Baht khi ở Thái Lan”, John Keh, Giám đốc tiếp thị của Genesis Block, một trung tâm giao dịch tài sản kỹ thuật số ở Hồng Kông bày tỏ.
Keh phân tích, chỉ có thể ngăn chặn đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số có được chỗ đứng trong nước nếu Ngân hàng Trung ương Thái Lan hạn chế quyền truy cập vào một số giao dịch nhất định.
Nói về vấn đề này, BIS bày tỏ quan điểm: Rủi ro thay thế tiền tệ thường rõ rệt hơn ở các quốc gia có lạm phát cao trong lịch sử hoặc thiếu tin tưởng vào hệ thống tiền tệ của quốc gia. Một ví dụ đó là việc sử dụng rộng rãi Bitcoin của Argentina trong những năm gần đây như một sự thay thế cho tiền tệ quốc gia đã xảy ra trong bối cảnh siêu lạm phát.
Edwin Lai, Giáo sư kinh tế tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nhận định, Trung Quốc muốn nhiều người sử dụng đồng Nhân dân tệ hơn để giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính toàn cầu lấy đồng USD làm trung tâm. Đặc biệt, họ muốn tăng cường ảnh hưởng chính trị của mình ở Đông Nam Á bằng cách tăng cường sử dụng đồng NDT trong thương mại khu vực. Nhưng do sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc nới lỏng kiểm soát vốn nghiêm ngặt, đồng NDT kỹ thuật số có thể sẽ bị hạn chế sử dụng trên phạm vi toàn cầu.
Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong quý đầu tiên của năm 2020, tỷ trọng USD trong dự trữ thế giới đạt 61,9%, tỷ trọng của Euro là 20,05%, tỷ trọng của đồng Yên là 5,7%, tỷ trọng của đồng bảng Anh đạt 4,43%, trong khi tổng tỷ trọng của đồng NDT trong dự trữ ngoại hối thế giới chưa bao giờ vượt quá 2%.
“Trung Quốc muốn có thêm ảnh hưởng chính trị trên trường quốc tế. Một cách để đạt được điều này là những quốc gia khác phải sử dụng tiền tệ của họ nhiều hơn như một phương tiện trao đổi, lưu trữ giá trị hay như một loại tiền tệ dự trữ. Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn sớm tích hợp hoàn toàn hệ thống tài chính của mình với phương Tây”, vị Giáo sư nhận xét.