Nhận diện khó khăn đối với xây dựng văn bản quy phạm pháp luật Tài chính
Từ ngày 1/7/2016, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) sẽ có hiệu lực thi hành. Theo quy định của Luật, nhiều quy trình, thủ tục trong việc ban hành văn bản QPPL được thay đổi, có tác động lớn tới nhiệm vụ của Bộ Tài chính.
Chuyên nghiệp, khả thi
Bộ Tài chính là Bộ quản lý đa ngành với nhiều lĩnh vực khó, nhạy cảm, hàng năm có số lượng ban hành văn bản QPPL rất lớn. Chỉ tính trong giai đoạn 2007-2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 38 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết (trong đó có 36 dự án đã được thông qua, 2 luật đã cho ý kiến); trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 344 Nghị định, Quyết định của Thủ tướng và ban hành theo thẩm quyền 2.074 Thông tư, Thông tư liên tịch, Chỉ thị, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đánh giá thực trạng công tác soạn thảo, ban hành văn bản QPPL tài chính trong thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - chuyên gia tư vấn Bộ Tài chính, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng: Hệ thống pháp luật tài chính đã tiếp tục hoàn thiện cả về nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng văn bản QPPL.
Trong hoạt động soạn thảo văn bản QPPL, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL Tài chính cơ bản đã được thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo văn bản, đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì xây dựng đã tích cực huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý; phát huy vai trò của tổ chức pháp chế và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập trong việc xây dựng văn bản. Hoạt động soạn thảo văn bản QPPL đã có nhiều chuyển biến tích cực khi các Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì đã quan tâm đến việc bố trí nguồn lực thích đáng cho công tác này, từ việc giao nhiệm vụ cụ thể đến từng lãnh đạo phụ trách công tác, từng phòng, từng công chức của đơn vị; đồng thời chú trọng nhiều hơn đến việc chủ động phối hợp ngay từ đầu với Vụ Pháp chế và đầu mối của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để thống nhất về các nội dung có nhiều ý kiến khác nhau…
"Nhìn chung, chất lượng soạn thảo văn bản QPPL của Bộ Tài chính luôn được Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội đánh giá cao" - ông Nghĩa nhận định.
Các dự thảo của ngành Tài chính đều được đơn vị chủ trì tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các cơ quan, đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn; đăng tải công khai để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện đánh giá về thủ tục hành chính, góp ý, thẩm định văn bản. Đặc biệt là các dự thảo văn bản có nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, đã được tổ chức lấy ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề,... và đã thu được những ý kiến góp ý, phản biện kịp thời, mang tính đa chiều giúp đơn vị chủ trì hoàn thiện dự thảo văn bản.
Chất lượng thẩm định, cung cấp ý kiến pháp lý của tổ chức pháp chế cho dự thảo văn bản QPPL cũng ngày càng được nâng cao; thời hạn thẩm định bảo đảm, nội dung thẩm định cơ bản xác đáng, có lập luận vững chắc về từng vấn đề, làm cơ sở để đơn vị chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản, góp phần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật tài chính. Nhiều văn bản thẩm định đã đưa ra những nhận xét, đánh giá mang tính phản biện đối với cả nội dung và hình thức của dự thảo văn bản, làm cơ sở để đơn vị chủ trì soạn thảo hoàn chỉnh, nâng cao tính khả thi, hợp lý của dự thảo văn bản. Công tác thẩm định thủ tục hành chính đã góp phần nâng cao chất lượng của quy định về thủ tục hành chính, bảo đảm chỉ ban hành thủ tục hành chính thật sự cần thiết, hợp lý với chi phí tuân thủ thấp nhất.
Gánh nặng từ những điều cấm
Tuy đang "gặt hái" được nhiều kết quả tích cực, song, trước những quy định mới của Luật Ban hành văn bản QPPL 2015 sắp có hiệu lực, thách thức đối với hoạt động này của Bộ Tài chính là khá lớn.
Bà Bùi Thu Hằng - Trưởng phòng Công tác xây dựng pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: Thách thức lớn nhất mà Bộ Tài chính phải đối mặt là những thay đổi có tác động trực tiếp nhất nằm ở một số điều "cấm" mới ở khâu ban hành văn bản QPPL theo thẩm quyền.
Bà Hằng dẫn chứng: Điều đáng quan tâm đầu tiên là quy định "không được quy định thủ tục hành chính trong thông tư". Với quy định này, Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát các Thông tư do Bộ ban hành để đề nghị ban hành thành Nghị định của Chính phủ hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định về thủ tục hành chính. Rà soát có thể thấy, hiện nay, số lượng Thông tư của Bộ Tài chính có chứa thủ tục hành chính là khá lớn.
Một quy định khác là "không được ban hành thông tư liên tịch giữa các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với nhau". Hàng năm, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành từ 100 đến 200 Thông tư liên tịch. Với quy định mới, Bộ Tài chính có 2 cách xử lý với các Thông tư liên tịch. Hoặc là đề nghị Chính phủ ban hành dưới hình thức Nghị định hoặc tự ban hành Thông tư theo thẩm quyền. Với cách thứ nhất thì quy trình ban hành sẽ phức tạp, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian hơn còn cách thứ hai sẽ tạo áp lực lớn đối với ngành Tài chính khi số lượng cán bộ thiếu, công việc nhiều.
Luật Ban hành văn bản QPPL 2015 cũng hạn chế thẩm quyền ban hành Thông tư của Bộ trưởng với quy định "không còn hình thức thông tư của bộ trưởng quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế- kỹ thuật của ngành, lĩnh vực phụ trách". Đối với Bộ Tài chính, đây có thể coi là thách thức lớn nhất vì cơ quan này quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều lĩnh vực đòi hỏi phải quy định rất cụ thể quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế- kỹ thuật thì mới có thể triển khai được trên thực tiễn, ví dụ như quy chuẩn của ngành Hải quan, Thuế, quản lý công sản,...
Ngoài ra, nhiều yêu cầu về bảo đảm công khai, minh bạch trong quy trình xây dựng và ban hành cũng như đảm bảo nguồn ngân sách để chi cho hoạt động xây dựng chính sách sẽ là những khó khăn Bộ Tài chính sẽ phải đối mặt khi triển khai công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới.