Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030:
Mài sắc vũ khí thanh tra, kiểm tra
Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, thanh tra ngành Tài chính cũng phải kiện toàn và phát triển để theo kịp sự vận động của kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
Kết quả thanh tra, kiểm tra ở một số ngành và lĩnh vực
Những thành tích cụ thể mà Thanh tra cả nước đạt được trong thời gian qua, từ thanh tra của các bộ, ngành Trung ương đến thanh tra của các đơn vị trực thuộc tại các tỉnh, thành phố; Từ thanh tra tổng thể đến thanh tra theo chuyên đề; Từ thanh tra cả giai đoạn đến thanh tra theo thời điểm, thanh tra toàn ngành hoặc thanh tra chọn mẫu… trong cả lĩnh vực thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành đều đã cho kết quả rất lớn. Kết quả thanh tra tại một số bộ, ngành, địa phương như sau:
- Thanh tra Bộ NN&PTNT: Chỉ từ đầu năm đến nay, với việc thực hiện kiểm tra 3.103 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, trong đó, đã phát hiện có 2.080 cơ sở kinh doanh sai phạm. Qua đó, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 1.107 cơ sở, thu về cho NSNN hơn 5 tỉ đồng...);
- Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Qua chiến dịch thanh tra lao động tại 152 doanh nghiệp dệt may trên toàn quốc đã phát hiện 1.786 sai phạm, với tỷ lệ trung bình 12 sai phạm/doanh nghiệp. Đã lập 19 biên bản vi phạm hành chính để xử lý 19 doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật lao động, với tổng số tiền xử phạt gần 600 triệu đồng.
- Thanh tra Bộ Công Thương: Trước tình hình vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh nói chung và đặc biệt là sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các chất độc hại dùng trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp nói riêng... vẫn đang diễn biến phức tạp. Vừa qua, Bộ Công Thương tiến hành thanh tra theo chuyên đề, đã phát hiện cả nước có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất phân bón nhưng chỉ có khoảng 90 cơ sở có giấy phép kinh doanh, hiện đang xem xét, có lộ trình để “đóng cửa” các cơ sở này.
- Thanh tra Bộ Xây dựng: Năm 2014, triển khai 70 đoàn Thanh tra. Kiến nghị xử lý về kinh tế 1.519 tỷ đồng (Đề nghị phê duyệt lại dự toán 1.342 tỷ đồng; Yêu cầu nộp thuế 20,141 tỷ đồng; Yêu cầu nộp về tổng công ty và quỹ sắp xếp doanh nghiệp 50,547 tỷ đồng; Giảm trừ giá trị thanh quyết toán 91,623 tỷ đồng; Yêu cầu nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ 14,298 tỷ đồng; Ban hành 17 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 1,735 tỷ đồng. Đã thực hiện 06 Quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là 910 triệu đồng/1,735 tỷ đồng đạt 68%; Thực hiện việc nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ qua các kết luận thanh tra số tiền 12,086 tỷ đồng). Năm 2015, qua thanh kiểm tra cũng đã phát hiện và có nhiều kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, phòng ngừa sai phạm tại các đơn vị, đồng thời, kiến nghị thiết thực nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách từ đó góp phần ngăn chặn có hiệu quả các hành vi sai phạm trong hoạt động xây dựng và hạn chế thất thoát lãng phí (năm 2015 chưa có số liệu cụ thể).
- Thanh tra ngành Giao thông vận Tải: Trong 9 tháng đầu năm 2015, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì triển khai 46 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, đã yêu cầu thu hồi về NSNN qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ hơn 3,2 tỷ đồng và yêu cầu các đơn vị có liên quan tiếp tục xử lý thu hồi về NSNN số tiền trên 75 tỷ đồng; Xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Riêng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện 100.705 cuộc thanh tra, kiểm tra; lập biên bản 104.938 vụ vi phạm, xử phạt 91.866 vụ với số tiền trên 303 tỷ đồng, tạm giữ 875 xe ô tô, đình chỉ hoạt động 570 bến và 317 phương tiện thủy nội địa.
- Thanh tra ngành Tài chính: Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2015, các đơn vị trong ngành Tài chính đã triển khai trên 310 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; Kiến nghị thu hồi nộp vào NSNN số tiền trên 73 nghìn tỷ đồng; Xử phạt vi phạm hành chính trên 7.500 tỷ đồng; Chuyển cơ quan điều tra 852 vụ việc; Kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.365 người (trong đó kiểm điểm rút kinh nghiệm 1.154 người, khiển trách 122 người). Tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của Thanh tra tài chính trong 5 năm trở lại đây đạt trên 85%.
+ Thanh tra Hải quan, công tác kiểm tra sau thông quan trong 9 tháng đầu năm 2015 đã kết thúc 1.819 cuộc, quyết định truy thu 1.197 tỷ đồng (gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2014), trong đó có 115,87 tỷ đồng tiền phạt vi phạm hành chính, phạt chậm nộp; đã thực thu vào ngân sách nhà nước là 1.157 tỷ đồng (gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2014). Riêng Cục Kiểm tra sau thông quan đã tiến hành kiểm tra 80 cuộc, quyết định truy thu 431 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN 418 tỷ đồng.
+ Thanh tra Thuế: Trong 6 tháng đầu năm, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra 29.700 doanh nghiệp. Qua đó, số thuế xử lý tăng thu 4.760 tỉ đồng, giảm khấu trừ 487 tỉ đồng, giảm lỗ 8.580 tỉ đồng, đôn đốc nộp NSNN 3.095 tỉ đồng. Riêng thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá tại 1.031 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, ngành thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt 217 tỉ đồng... Chỉ tại một cục thuế (Thành phố Hồ Chí Minh) và một vụ thanh tra về chấp hành pháp luật thuế (Công ty cổ phần nhựa Bình Minh) mà số tiền xử phạt và truy thu về thuế đã lên tới gần 8 tỷ đồng – QĐ số 4514/QĐ-CT-XP ngày 9/11/2015 của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh)…
+ Thanh tra Kho bạc, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước,Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm cũng đã tiến hành hàng trăm cuộc thanh, kiểm tra tập trung vào công tác kiểm soát thu, chi của các đơn vị sử dụng NSNN và chống gian lận thương mại, thuế, kinh doanh của các đối tượng Ngành quản lý… thu hồi về cho NSNN hàng trăm tỷ đồng.
Trên đây là kết quả của công tác thanh tra (dù chưa liệt kê hết các lĩnh vực và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành) nhưng mặt trái của nó cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật tài chính, kinh doanh là rất lớn.
Không thể coi nhẹ công tác thanh tra
Có thể thấy, số vụ vi phạm mỗi năm một tăng cao, số tiền vi phạm ngày càng lớn và hành vi vi phạm cũng càng ngày càng tinh vi hơn, khiến các cơ quan thanh tra vào cuộc khó khăn hơn, đòi hỏi cán bộ thanh tra phải trang bị kiến thức chuyên môn sắc sảo và lập trường kiên quyết hơn.
Nếu chúng ta không chú trọng vào công tác thanh kiểm tra, sự mất mát, thâm hụt NSNN càng lớn, hệ lụy đến nền kinh tế quốc dân và đời sống tinh thần của cả cộng đồng xã hội rất nghiêm trọng.
Mặt được của công tác thanh tra
Thời gian qua, công tác thanh tra đã và đang thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Kết luận thanh tra rõ ràng, minh bạch, có tính khả thi cao. Thông qua công tác thanh tra đã phát hiện kịp thời các tồn tại, thiếu sót, sai phạm trong hoạt động của các tổ chức, cá nhân để từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện một số quy định chưa phù hợp thực tế; Đã kiến nghị xử lý nhiều trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện nghiêm Luật Thanh tra cũng như Luật phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong phạm vị cả nước.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được quan tâm đặc biệt. Cơ chế một cửa trong việc tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo được triển khai thống nhất từ trưng ương tới địa phương... Hầu hết các vụ việc đều được giải quyết dứt điểm, kịp thời, không để tồn đọng, kéo dài.
Những điểm chưa được trong hoạt động và tổ chức thanh tra
Số đơn vị và đối tượng tham gia vào các hoạt động kinh tế rất lớn, địa bàn hoạt động khó kiểm soát, số đơn vị và cán bô thực hiện công tác thành tra còn ít, chưa đảm bảo thanh tra mọi ngõ ngách, mọi vấn đề phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội, nhiều lĩnh vực còn bỏ xót, bỏ ngỏ.
Trình độ cán bộ thanh tra có nơi còn yếu, chưa được đào tạo đẩy đủ. Thậm chí cán bộ còn chưa có đủ bản lĩnh chính trị. Có nơi, có khi, vì lợi ích cục bộ, đã có một vài cá nhân, tổ chức bảo kê, tiếp tay, bao che cho các đối tượng vi phạm pháp luật, xử lý xuê xoa, nương nhẹ khi đối tượng vi phạm pháp luật chạy tội.
Một số văn bản pháp luật còn sơ hở, công tác phối hợp của các lực lượng chức năng còn chưa hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý chưa thường xuyên, còn thiếu kiên quyết, còn để lọt tội...
Kiện toàn công tác thanh tra
Để thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, vừa qua, Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan Thanh tra đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Kiện toàn tổ chức, bộ máy: Tiến hành kiện toàn bộ máy của các cơ quan Thanh tra chuyên trách; thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan thanh tra nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, xây dựng các cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất (từ trung ương tới cấp tỉnh); Tăng cường chất lượng chuyên môn và bản lĩnh chính trị của cán bộ thanh tra nhằm phục vụ đắc lực công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đổi mới phương thức hoạt động:
+ Từ nay đến năm 2020, tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhằm đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.
+ Tăng cường giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; Thẩm định kết luận thanh tra; Công khai kết quả, quyết định xử lý về thanh tra. Tập trung xem xét tính hợp pháp, chính xác của các kết luận thanh tra nhằm phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để tiến hành thanh tra lại hoặc kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định nhằm nâng cao chất lượng các kiến nghị qua hoạt động thanh tra.
+ Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của mọi tổ chức, cá nhân; Chủ động chuyển trọng tâm của hoạt động thanh tra từ việc thanh tra tuân thủ pháp luật là chủ yếu sang thanh tra phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách đang làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính, bảo đảm trật tự, kỷ cương và sự tuân thủ pháp luật của cả cộng đồng xã hội.
Thanh tra ngành Tài chính đang ngày càng được kiện toàn. Ngày 09/10/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2012/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tài chính, theo đó, trong năm 2014, Thanh tra Tài chính (bộ Tài chính) cũng quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng thanh tra trực thuộc. Thanh tra các tổng cục, cục cũng trên đà kiện toàn tổ chức và hoạt động, nhằm thực hiện tốt nhất chức năng là công cụ kiểm tra, giám sát của Nhà nước và ngành Tài chính trong lĩnh vực kinh tế - tài chính.