Nhận diện thách thức để kìm giữ lạm phát hiệu quả

Theo Nguyễn Đức Lệnh/thitruongtaichinhtiente.vn

Về những thách thức trong 6 tháng còn lại của năm 2022, lạm phát được đánh giá là yếu tố có tác động ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện và đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra của năm, vì vậy việc đề ra và triển khai các giải pháp phù hợp, đồng bộ đảm bảo kìm giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô – làm nền tảng cho tăng trưởng và phát triển, thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2022 có vai trò hết sức quan trọng.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Ở góc độ quản lý, cần quyết liệt trong tổ chức và thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục cải cách hành chính, trong đó cần giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, rút ngắn thời gian giao dịch, xử lý hồ sơ sẽ là hành động cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhờ việc giảm chi phí thời gian, đi lại và tạo cơ hội cũng như môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong quá trình này, liên quan đến hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD) cần tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, thông qua việc đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong các hoạt động tư vấn, giải quyết hồ sơ, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp trong giao dịch vốn, dịch vụ với ngân hàng. Đây là hành động cụ thể và mang lại ý nghĩa thiết thực cho doanh nghiệp, người dân. Vì vậy mỗi TCTD cần quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt trong toàn hệ thống.

Thứ hai, nhận diện thách thức, từ đó có hành động quyết liệt, đồng bộ và phối hợp không chỉ từ cơ quan quản lý mà chính từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trong việc kiểm soát tốt chi phí; nâng cao năng suất lao động và sử dụng vốn hiệu quả.

Ngoài những chi phí có xu hướng tăng do yếu tố thị trường, yếu tố khách quan, đối với những chi phí có thể kiểm soát và chủ động tiết giảm được như: chi phí quản lý, thuế; lãi suất; chi phí gián tiếp… cần được quan tâm và phối hợp đồng bộ để kiểm soát, để giữ ổn định và tiết giảm.

Hiện nay, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và NHTW đã và đang thực hiện các giải pháp này để hỗ trợ doanh nghiệp (giảm thuế; giảm giá xăng dầu; hỗ trợ lãi suất…).

Trong quá trình này, cần tổ chức thực hiện tốt chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, với các giải pháp về tài chính, tiền tệ, đưa các gói hỗ trợ an sinh xã hội; hỗ trợ lãi suất phát huy hiệu quả trên thực tế, qua đó góp phần trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp, giữ ổn định giá thành, giá bán sản phẩm, góp phần kìm giữ lạm phát hiệu quả.

Thứ ba, phát huy vai trò chương trình bình ổn thị trường, giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng sẽ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đảm bảo ổn định và kìm giữ lạm phát mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tác động tốt cho người lao động, người nghèo và người có thu nhập thấp.

Ở góc độ ngân hàng, các NHTM tham gia chương trình bình ổn (cho vay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa bình ổn thị trường) cần tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp bằng hành động cụ thể: giữ nguyên lãi suất hoặc xem xét giảm lãi suất cũng như đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ, nhu cầu thanh toán cho các doanh nghiệp này.

Thứ tư, phát huy trách nhiệm cộng đồng, tinh thần yêu nước để tạo sức mạnh đoàn kết vượt qua khó khăn.

Sự năng động, sáng tạo và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, của các NHTM với tinh thần “đồng hành cùng phát triển”, các NHTM và doanh nghiệp sẽ tiếp tục kết nối, tiếp tục đồng hành để phục hồi và phát triển trong thời gian còn lại của năm và trong những năm tiếp theo, bằng hành động cụ thể, hiệu quả và trách nhiệm để thực thi các giải pháp phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, của NHTW.