Hội nghị chuyên đề đầu tư du lịch Đà Nẵng:
Nhận diện thách thức để phát triển
Ngành du lịch Đà Nẵng đã đạt những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội (KT - XH) của TP. thời gian qua. Dù vậy, du lịch Đà Nẵng đang dần chạm tới ngưỡng mà nếu không có những đột phá mới sẽ tạo ra xung đột, và nếu không nhận diện sớm để giải quyết sẽ gây tổn thương, phương hại về thương hiệu.
Nhận định này được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề đầu tư du lịch Đà Nẵng - một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2017 diễn ra ngày 14 và 15/10, hướng tới sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC.
Nhiều điểm sáng
Du lịch Đà Nẵng được đánh giá là có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, đáp ứng tốt nhu cầu của các phân khúc du lịch; qua đó, góp phần không nhỏ vào sự tăng tốc của ngành du lịch cả nước. Điểm sáng nữa là TP đã thu hút được những nhà đầu tư chiến lược và sự có mặt của nhiều thương hiệu quản lý khách sạn lớn trên thế giới.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngành du lịch năm 2017 phải đón từ 13 triệu lượt khách trở lên. Nhiệm vụ này trước hết trông đợi ở những địa bàn động lực, trong đó có Đà Nẵng. TP. hiện có hơn 21 nghìn phòng khách sạn được xếp hạng sao và sẽ có thêm 4.500 phòng vào năm tới (trong đó chủ yếu là hạng 5 sao).
Tỷ trọng khách sạn từ 3 - 5 sao chiếm 50%, cao hơn rất nhiều tỷ trọng của cả nước (30%). “Điều này cho thấy phân khúc cao cấp đang dẫn dắt thị trường du lịch Đà Nẵng” - Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đánh giá.
Trong các sản phẩm của Đà Nẵng, du lịch biển đang dẫn đầu, tiếp đến là du lịch núi (Bà Nà) và du lịch văn hóa. Đà Nẵng cũng là điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch MICE (sự kiện, hội nghị hội thảo) khi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi.
Một điểm nổi bật nữa, theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch là công tác quản lý nhà nước ngành du lịch của Đà Nẵng được thực hiện tốt; có sự quan tâm sát sao, cùng hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực giải quyết các vấn đề.
Không dừng lại ở đó, chính sách phát triển du lịch của Đà Nẵng còn được người dân ủng hộ, mà tiêu biểu là việc một cá nhân tại Đà Nẵng khởi xướng phong trào “Open toilet” (Thoải mái như ở nhà), sau đó đông đảo người dân Đà Nẵng hưởng ứng nhiệt liệt và nhân rộng. Điều này góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Đà Nẵng trong lòng du khách.
Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng Ngô Quang Vinh cho biết, thời gian qua, điểm đến Đà Nẵng đã được nhiều du khách, doanh nghiệp, các tổ chức du lịch, các tạp chí, trang mạng chuyên về du lịch trên thế giới bình chọn và đánh giá cao.
Đặc biệt, năm 2016, TP. Đà Nẵng nhận được giải thưởng danh giá “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”. Tất cả những điều này đã góp phần “định vị” hình ảnh và từng bước khẳng định thương hiệu du lịch TP. Đà Nẵng tầm quốc tế.
Nhận diện thách thức
Dù đạt nhiều thành tựu nổi bật, song tại hội nghị, nhiều hạn chế của ngành du lịch Đà Nẵng cũng đã được các đại biểu chỉ rõ. Trong đó, nổi lên là thiếu chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư các khu giải trí, mua sắm, nhất là khu giải trí về đêm.
Việc phát triển khách sạn, condotel đang có dấu hiệu quá tải khi chưa có sự đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Đà Nẵng rất có sức hút, không thiếu nhà đầu tư muốn vào Đà Nẵng, nhưng thành phố phải xác định đầu tư cái gì, không phải là khách sạn nữa, mà phải có các khu giải trí, mua sắm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, Đà Nẵng cần phải tiếp tục đầu tư các sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, các điểm mua sắm chất lượng cao, các sản phẩm giải trí hiện đại - chuyên biệt.
Đặc biệt, trong bối cảnh quỹ “đất đẹp” đã tới hạn, Đà Nẵng cần phải mở rộng và tạo điều kiện để phát triển các khu vực mới. Đối với những khu đất cũ đã được cấp cho các nhà đầu tư nhưng chậm triển khai, TP. cần có động thái mạnh mẽ, thu hồi để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác trên cơ sở có lý, có tình.
Riêng về môi trường, với thực trạng có 44 cửa xả thải trực tiếp ra biển hiện tại, nếu không giải quyết rốt ráo sẽ là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến thương hiệu du lịch TP. mà hậu quả sẽ làm giảm đi sự hấp dẫn và cạnh tranh trên thị trường du lịch của Đà Nẵng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của “liên kết”, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng, du lịch Đà Nẵng cần tiếp tục tăng cường liên kết, ở cả góc độ các địa phương và liên kết sản phẩm, liên kết thị trường, liên kết nguồn nhân lực.
Không chỉ có ngành du lịch tự giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực của mình, mà cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền TP, cần có sự vào cuộc, phối hợp mạnh mẽ của các ngành chức năng liên quan.