Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017: Tư duy mới, cách làm mới
Đà Nẵng có vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; là đầu mối giao thông quan trọng, là cửa ngõ chính ra Biển Đông của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các nước tiểu vùng MeKong. Thế nhưng, nếu không đoàn kết, phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động tận dụng mọi cơ hội, nguồn lực và tăng cường liên kết vùng cũng như kêu gọi đầu tư thì trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ tụt lại so với một số tỉnh trong khu vực. Đây là ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Nhiều năm qua, Đà Nẵng là một trong nhưng địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, Đà Nẵng duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP từ 8 - 9%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP bình quân cả nước. GDP bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm và đạt xấp xỉ 3.000 USD năm 2016. Với vai trò là động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng đã đi đầu trong việc phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo kết nối thông suốt cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên về cả đường sắt, đường bộ và hàng không.
Cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng được đầu tư đồng bộ và hiện đại nhất ở khu vực miền Trung: Cảng container có công suất 12 triệu tấn hàng hóa; sân bay quốc tế có khả năng tiếp nhận 12 triệu lượt khách và 50 nghìn tấn hàng hóa mỗi năm; 6 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao và 1 khu công nghệ thông tin tập trung được đánh giá là hiện đại nhất cả nước. Đặc biệt, 8 năm liền (2009 - 2016), Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index).
Trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến đầu tư nhiều triển vọng với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đến tháng 9, Đà Nẵng đã thu hút được 400 dự án trong nước với số vốn đầu tư đạt 90 nghìn tỷ đồng (4,5 tỷ USD) và 495 dự án FDI với số vốn đăng ký 3,024 tỷ USD. Ngoài ra, còn có 13 dự án đang nghiên cứu đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 18,5 nghìn tỷ đồng (trên 815 triệu USD).
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Sự gia tăng về số lượng dự án cũng như xu hướng tăng vốn đầu tư do mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư đối với môi trường và tiềm năng phát triển của Đà Nẵng.
Địa phương này cũng được cộng đồng doanh nghiệp bình chọn là nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam với 7 lần dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), dẫn đầu các địa phương về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) từ năm 2013 đến 2016, và 6 năm liền thuộc nhóm các địa phương có thứ hạng cao nhất về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ năm 2011 - 2016”.
Tăng cường ưu đãi, kêu gọi đầu tư phát triển bền vững
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khẳng định: “TP. Đà Nẵng sẽ giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước các cơ hội đầu tư mới, các chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể. Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp đề xuất ý kiến đối với Chính phủ cũng như thành phố để có sự chỉ đạo và các giải pháp tháo gỡ những rào cản, vướng mắc trong quá trình đầu tư và kinh doanh.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng rất mong nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành, Trung ương đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội để TP tiếp tục đà tăng trưởng, vươn lên tầm cao mới, trở thành một đô thị hiện đại sánh ngang với các đô thị lớn trong nước và trong khu vực”.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường kiến nghị: “Đà Nẵng cần có sự nhất quán trong sự cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng, giao “đất sạch” cho doang nghiệp và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe doanh nghiệp để có điều chỉnh phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và đồng hành cùng với địa phương. Tiếp tục cải tiến và tinh giản thủ tục hành chính; tạo các chính sách ưu đãi, hỗ trợ xuyên suốt các dự án có vốn đầu tư cao; hạn chế để các nhà đầu tư phải đối mặt với những thay đổi về chính sách”.
Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội Hironobu Kitagawa cho rằng, Đà Nẵng đã hướng tới thông tin có độ minh bạch cao, chất lượng nguồn nhân lực lao động đáp ứng tốt yêu cầu, môi trường đầu tư thân thiện, môi trường sống an bình và không ngừng được cải thiện… “Tuy nhiên, để thúc đẩy đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản, cần phải tăng cường hơn nữa việc xây dựng quan hệ tin tưởng giữa hai nước.
Phía Nhật Bản mong muốn phía Chính phủ Việt Nam và UBND TP. Đà Nẵng sẽ chỉ đạo giải quyết các khúc mắc của doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình làm việc với đối tác Việt Nam như vấn đề giải tỏa đất đai, công tác bảo vệ môi trường và ổn định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mới vào địa phương”.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của chính quyền Đà Nẵng trong việc chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, góp phần xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố cảng biển lớn, là đô thị trung tâm cấp quốc gia, là một trong những trọng điểm phát triển của đất nước.
Thủ tướng chỉ đạo: Đà Nẵng cần phải có tư duy mới, cách làm mới để thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong thu hút đầu tư tại khu vực miền Trung. Đặc biệt, Đà Nẵng cần có tầm nhìn xa, chú trọng tăng cường tính liên kết với các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế trong xúc tiến đầu tư, tạo nên không gian kinh tế nối liền, một cụm điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại miền Trung. “Làm được điều đó, Đà Nẵng mới thật sự là đầu tàu, là hạt nhân tăng trưởng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên”, Thủ tướng nhấn mạnh.