Nhân rộng phát triển nhà ở, bất động sản xanh


Bộ Xây dựng đã chỉ ra những bất cập trong phát triển công trình nhà ở sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường tại Việt Nam

Vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển công trình nhà ở sử dụng năng lượng tiết kiệm tại Việt Nam.
Vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển công trình nhà ở sử dụng năng lượng tiết kiệm tại Việt Nam.

Tại sự kiện “Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2024”, Ths Nguyễn Đức Vinh – Phó trưởng phòng Quản lý, phát triển nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, đến hết tháng 4/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đã đạt được khoảng trên 400 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10 triệu m2.

“Mặc dù Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có quan điểm rõ ràng về việc phát triển nhà ở tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, quan điểm này không được thể hiện trong mục tiêu cụ thể của Chiến lược nên việc áp dụng các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực về nhà ở hiện vẫn còn nhiều hạn chế, các dự án nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng hiện nay đều do chủ đầu tư tự đặt mục tiêu và tự thực hiện” – theo ông Nguyễn Đức Vinh.

Trong khi Tổ chức tài chính quốc tế IFC cho thấy, đến quý III/2022, Việt Nam mới có 26 công trình là nhà ở cao tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 1,9 triệu m2 được chứng nhận là công trình xanh. Nguyên nhân chính của hạn chế, bất cập trong phát triển công trình nhà ở sử dụng năng lượng tiết kiệm tại Việt Nam được ông Vinh chỉ ra là do nhận thức về bảo vệ môi trường, hiệu quả năng lượng khi phát triển nhà ở chưa thực sự đầy đủ, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư công trình nhà ở này thường cao hơn chi phí nhà ở thông thường 1 - 2%. Ngoài ra, còn thiếu sự tuyên truyền, quảng bá về lợi ích từ các công trình nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng nên chủ đầu tư và khách hàng mua, thuê mua, thuê nhà ở ít quan tâm đến phân khúc này.

Trước thực trạng trên, ông Vinh cho rằng trước mắt cần tập trung triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng không gian sống và lợi ích môi trường như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu và ban hành, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở đối với các thiết kế, kỹ thuật, công nghệ xây dựng mới hướng tới nâng cao chất lượng ở, phù hợp với xu hướng phát triển nhà ở xanh, bền vững, thông minh, ứng dụng công nghệ số. Đồng thời, gia tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra liên quan đến việc áp dụng thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với những khu dân cư hiện hữu của hộ gia đình, cá nhân gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Thứ hai, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng và nhà ở phát thải thấp, ứng dụng công nghệ số. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về lợi ích từ các công trình nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng để thu hút cũng như phát triển loại hình nhà ở này.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu và áp dụng các thiết kế, kỹ thuật và công nghệ xây dựng nhà ở mới, vật liệu mới, ứng dụng công nghệ số nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành xây dựng nhà ở, đồng thời sử dụng hiệu quả năng lượng và phát thải thấp.

Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn