Nhân rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm
Ngày 10/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành (TTCN) an toàn thực phẩm (ATTP) cấp quận, cấp phường của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, theo Quyết định 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo của Bộ Y tế về việc thí điểm TTCN ATTP được triển khai tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ 15/11/2015 đến 15/11/2016, mỗi thành phố thí điểm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường cho thấy, số cơ sở bị xử phạt vi phạm ATTP và số tiền xử phạt đều tăng trên 200%, so với cùng kỳ năm trước đó. Trong thời gian thí điểm TTCN về ATTP, Hà Nội không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, còn tại TP Hồ Chí Minh xảy ra một vụ với 26 người mắc và không có người tử vong, năm 2015 xảy ra 3 vụ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, việc hình thành và hoạt động của lực lượng TTCN về ATTP đã giúp việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm, số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm và thủy sản nâng hạng xếp loại tăng lên so với cùng kỳ năm 2015.
Công tác bảo đảm ATTP tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dần phát huy hiệu quả; đặc biệt ở các địa phương thí điểm TTCN về ATTP, chất lượng vệ sinh ATTP được bảo đảm hơn; nhận thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, của người tiêu dùng được được nâng lên rõ rệt, có tác dụng lan tỏa các địa phương khác.
Theo đánh giá liên ngành Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khi có thí điểm TTCN về ATTP thì việc thanh tra, kiểm tra do cấp phường, xã thực hiện, chủ yếu bám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, điều này đã khiến cho ý thức thực hiện về ATTP đã tăng hơn.
Tuy nhiên, thực tế số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã/phường chủ yếu là các cơ sở nhỏ, lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... gây khó khăn cho việc triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính.
Theo Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong, việc tổ chức TTCN ATTP thí điểm như vừa qua, cần có những đúc rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai, tránh lãng phí và tăng hiệu quả cao hơn.
Đơn cử như việc “rồng rắn cả đoàn” đi TTCN ATTP mà chỉ kiểm tra xem đủ giấy phép chưa thì không ổn, bởi còn có nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, vệ sinh giết mổ... là những vấn đề cần được quan tâm sâu của các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; hay việc các địa phương thí điểm còn khó khăn về nhân lực thực hiện, không có cán bộ chuyên trách về ATTP, đặc biệt là cấp xã, phường; thiếu cán bộ có chuyên môn về ATTP, nghiệp vụ thanh tra mới được tiếp cận, còn tình trạng tâm lý sợ sai, ngại va chạm khi thi hành nhiệm vụ của cán bộ cấp quận, phường.
Trong khi đó, đại diện các địa phương thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho biết, “tâm lý làng xóm, họ hàng” cũng làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính. Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đề nghị tiếp tục thực hiện việc thanh tra chuyên ngành, mở rộng tại 100% số quận, huyện, thị xã, phường tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và cần thiết việc mở rộng thí điểm tại Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Nêu quan điểm về việc mở rộng thí điểm TTCN về ATTP tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, đây là việc làm cần thiết trong bảo đảm ATTP tại các địa phương, tiến tới phạm vi giám sát chất lượng, bảo đảm ATTP toàn quốc. Tuy nhiên, Thứ trưởng Cường đề nghị đại điện các bộ, ngành, địa phương làm rõ việc thanh tra nên tập trung vào vấn đề gì; làm rõ lý do tiếp tục mở rộng TTCN về ATTP để không lãng phí nguồn lực.