Hà Nội: Mạnh tay với vi phạm an toàn thực phẩm
Ngày 9/3, Ban chỉ đạo (BCĐ) công tác an toàn thực phẩm (ATTP) TP. Hà Nội đã tổ chức hội nghị rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thành uỷ Hà Nội về công tác bảo đảm ATTP thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo.
Theo báo cáo của Sở Y tế năm 2016, công tác đảm bảo ATTP đã được các cấp, ngành Thành phố triển khai nghiêm túc. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra 102.644 lượt cơ sở, phát hiện 16.521 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.985 cơ sở với số tiền trên 28 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số khó khăn, tồn tại. Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội còn diễn ra; việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, rau, củ quả kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn; sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn chưa quyết liệt, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã vẫn chưa mạnh mẽ; số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, nhiều chợ tạm, chợ cóc...
Qua kiểm tra, cũng có nơi Chủ tịch UBND xã phường chưa thường xuyên đi kiểm tra như chỉ đạo của TP, vào cuộc chưa quyết liệt; xử lý vi phạm chưa mạnh mẽ, chủ yếu là nhắc nhở.
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội hiện có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp và 15 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp; có 4 khu giết mổ gia súc, gia cầm thủ công; khoảng 1.047 điểm, hộ giết mổ nhỏ, lẻ thủ công. Toàn thành phố có 454 chợ, 124 siêu thị, 22 Trung tâm thương mại.
Diện tích rau an toàn của thành phố là 5.500 ha/12.000 ha. Để đáp ứng thực phẩm nông lâm thủy sản cho khoảng 10 triệu dân, mỗi ngày thị trường Hà Nội cần khoảng 800 - 1.000 tấn thịt các loại, 2.500 - 3.000 tấn rau quả các loại, 350 - 400 tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến. Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 40-60% nhu cầu, số còn lại được nhập khẩu và cung cấp từ các tỉnh khác.
Theo ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, với thực trạng trên, truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang gặp khó khăn, mặc dù Sở đã mời các doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương họp bàn để hình thành chuỗi phân phối, tuy nhiên các chuỗi này chưa nhiều. Sở Công Thương đã 2 lần gửi công văn đến các quận, huyện đề nghị rà soát xem có doanh nghiệp sản xuất nào khó khăn để giúp đỡ nhưng đến nay vẫn không nhận được phản ánh của doanh nghiệp nào?
Chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ ra rằng, cần rõ người, rõ việc trong quản lý ATTP. Đơn cử như công tác kiểm tra nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi, Bí thư đề nghị trong kế hoạch kiểm tra phải ghi ra từng việc trong chuỗi đó.
“Như chuỗi sản xuất đã phổ biến danh mục các chất cấm ko sử dụng trong trồng trọt và chăn nuôi thì cần kiểm soát việc sử dụng chất đó, các xã và hợp tác xã phải kiểm soát được, cử rõ cán bộ nào có trách nhiệm kiểm soát. Hay như chợ đầu mối, hàng hoá về có dán tem vậy tem ở đâu, ai dán và có bảo đảm không, bao nhiêu đơn vị được phép làm cái đó. Ai là người kiểm tra thường xuyên việc dán tem này, phải phân rõ trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, Bí thư yêu cầu ngành nông nghiệp phải quản lý chặt các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, lên kế hoạch cụ thể từng năm cho từng quận, huyện để từng bước xử lý dứt điểm các điểm này. Đối với chợ đầu mối, Bí thư cho rằng phải gắn trách nhiệm cụ thể cho Ban quản lý chợ, thành phố phải nắm được chợ nào hoạt động tốt, gắn với việc đầu tư vào các chợ đầu mối hoạt động đúng kế hoạch.
“Chính quyền các cấp phải vào cuộc quyết liệt, không thờ ơ, không làm hời hợt, các chợ cóc, chợ tạm hay các cửa hàng thực phẩm không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm thì cứ cắm biển “thực phẩm ở đây không an toàn” thì không ai dám mua. Chúng ta phải tiến tới công khai nguồn gốc thực phẩm, danh sách cửa hàng thực phẩm, quán ăn, nhà hàng đảm bảo ATTP lên mạng Internet để người dân tiện theo dõi và lựa chọn”, Bí thư Hoàng Trung Hải gợi ý.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban chỉ đạo công tác ATTP đề nghị các đơn vị quán triệt nghiêm túc và triển khai ngay các phần việc cần thiết. Chủ tịch UBND thành phố cho biết trong thời gian tới, Thành phố sẽ làm bằng được việc dán tem xuất xứ các loại thực phẩm để người dân có thể kiểm tra bằng smartphone.
Bên cạnh đó, các sở ngành cần phối hợp chặt chẽ với các quận huyện xử lý nghiêm, kiên quyết dẹp bỏ chợ cóc; làm tốt công tác quản lý vỉa hè, tuyên truyền tới người dân. Với các chợ truyền thống, thành phố sẽ rà soát lại các chợ này, bỏ kinh phí sửa chữa, chỉnh trang lại trong 2017 để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
“Các sở ngành cần kiểm tra, hướng dẫn cấp phép với các cơ sở đủ điều kiện. Những cơ sở không đủ điều kiện thì phải dừng hoạt động, thống kê danh sách công bố công khai để người dân biết và giám sát. Cùng đó, cần phố biến kiến thức cơ bản nhất để người dân phát hiện các thực phẩm không đảm bảo ATTP” – ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu.