Nhận tin tốt bất ngờ, giới đầu tư chứng khoán vượt qua nỗi sợ virus Corona
Bất ngờ nhận thông tin kinh tế tích cực, cùng với kết quả kinh doanh khả quan của nhóm công nghệ giúp chứng khoán hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần mới (3/2) sau phiên bán tháo cuối tuần trước.
Theo Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), hoạt động nhà máy của Mỹ trong tháng 1 bất ngờ hồi phục trở lại sau 5 tháng giảm liên tiếp nhờ đơn đặt hàng tăng vọt.
Thông tích cực bất ngờ này, cùng với kết quả kinh doanh khả quan của một số ông lớn công nghệ như Google, Microsoft, hay hãng sản xuất xe điện Tesla… Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu năng lượng vẫn giảm mạnh theo đà giảm của giá dầu thô, khiến đà tăng của phố Wall bị hãm lại.
Kết thúc phiên 3/2, chỉ số Dow Jones tăng 143,78 điểm (+0,51%), lên 28.399,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,40 điểm (+0,73%), lên 3.248,92 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 122,47 điểm (+1,34%), lên 9.273,40 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi nhà đầu tư dường như đã vượt qua nỗi sợ virus Corona đã xuống tiền bắt đáy sau tuần giảm tồi tệ trước đó.
Kết thúc phiên 3/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 40,30 điểm (+0,55%), lên 7.326,31 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 63,22 điểm (+0,49%), lên 13.045,19 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 26,17 điểm (+0,45%), lên 5.832,51 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngay sau khi trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, chứng khoán Trung Quốc đã bị bán tháo ồ ạt và giảm gần kịch sàn cho phép. Đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tác động xấu tới các thị trường khác trong khu vực, khiến các thị trường đều lao dốc mạnh ngay khi mở cửa phiên. Tuy nhiên, về cuối phiên, nhiều thị trường đã lấy lại sự bình tĩnh để trở lại như chứng khoán Hồng Kông, Hàn Quốc, Việt Nam.
Kết thúc phiên 3/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 233,24 điểm (-1,01%), xuống 22.971,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 229,92 điểm (-7,72%), xuống 2.746,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 44,35 điểm (+0,17%), lên 26.356,98 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 0,13 điểm (-0,006%), xuống 2.118,88 điểm.
Sự trở lại của thị trường chứng khoán cũng lấy đi sự lấp lánh của giá vàng, đẩy giá kim loại quý này quay đầu giảm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới, trả lại gần hết những gì đã có trong phiên cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 3/2, giá vàng giao ngay giảm 12 USD (-0,76%), xuống 1.576,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 5,7 USD (-0,36%), xuống 1.577,2 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục trượt dốc xuống mức thấp nhất 13 tháng do ảnh hưởng của virus Corona có thể khiến nhu cầu dầu của Trung Quốc, một trong 2 thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới sụt giảm 20%. Không chỉ Trung Quốc, virus Corona còn khiến nhu cầu dầu của toàn cầu sụt giảm.
Kết thúc phiên 3/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,45 USD (-2,81%), xuống 50,12 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,17 USD (-3,83%), xuống 54,45 USD/thùng.