Nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn bó lâu dài của nhân viên với doanh nghiệp du lịch tại Vĩnh Long

Võ Thanh Tuấn, Lê Hoàng Quyên, Phan Nhật Đăng

Tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Bài viết đánh giá nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn bó lâu dài của nhân viên ngành Du lịch đối với doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long, từ đó, nhóm tác giả đề xuất các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Tỉnh thực hiện chiến lược nâng cao sự gắn bó lâu dài của nhân viên tại đơn vị.

Các nhân tố ảnh hưởng sự gắn bó trong công việc

Theo Tạp chí Nghiên cứu quản trị nguồn nhân lực, nghiên cứu về sự thỏa mãn của nhân viên trong công việc tại Ngân hàng ICCI (2015), Ấn Độ (dựa trên thuyết 2 nhân tố của Hertzberg) cho thấy, có 15 nhân tố tác động đến sự thỏa mãn của nhân viên gồm: Lương; Đào tạo và phát triển; Bản chất công việc; Cân bằng công việc và cuộc sống; Mối quan hệ giữa cá nhân; Sự an toàn trong công việc; Sự giao tiếp; Sự tự quản; Tinh thần; Sự công nhận và khen thưởng; Lãnh đạo; Phân công phân nhiệm; Môi trường làm việc; Làm việc nhóm; Sự thúc đẩy.

Behesta Alemi (2022) nghiên cứu về sự thỏa mãn trong công việc tại các trường sư phạm cho thấy, các nhân tố tác động đến sự thỏa mãn công việc gồm: Bản chất công việc; lãnh đạo; đồng nghiệp; cơ hội đào tạo thăng tiến; thu nhập; môi trường làm việc.

Phương pháp nghiên cứu và mô hình đề xuất

Nhóm tác giả thực hiện thu thập theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp nhân viên văn phòng tại 03 huyện, thị và thành phố (huyện Long Hồ, Thị xã Bình Minh và TP.Vĩnh Long) từ tháng 01/2024 - 4/2024. Thông tin sơ cấp bao gồm các thông tin về các thành phần sau: Nhận thức của nhân viên tại doanh nghiệp về công việc; Cảm xúc của nhân viên ngành Du lịch; Các biến phân loại (phân loại theo thu nhập, phân loại theo vị trí công việc và phân loại theo trình độ học vấn).

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp (2024)
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp (2024)

Từ phương pháp nghiên cứu trên, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Phân tích số liệu

Khảo sát trên bảng câu hỏi được thực hiện trong giai đoạn từ tháng 01/2024 - 04/2024. Số lượng phiếu khảo sát phát ra là 320, phiếu thu về là 313, sau khi loại đi 7 phiếu không hợp lệ, còn 313 phiếu hợp lệ có đầy đủ thông tin được sử dụng. Như vậy, số quan sát hợp lệ trong mẫu là 313 (lớn hơn cỡ mẫu tối thiểu 136), đảm bảo đủ để thực hiện các phân tích thống kê. Trong đó, giới tính được phỏng vấn chủ yếu là Nam, có 185 người (chiếm 59,1%); Nữ có 128 người (chiếm 40,9%). Về trình độ học vấn: Trình độ từ đại học trở lên là 291 người (chiếm 93%), có 22 người trình độ trung cấp (chiếm 7%). Chức danh vị trí công việc, chiếm nhiều nhất là nhân viên với 198 người (chiếm 63,2%), còn lại là các chức danh thuộc nhóm lãnh đạo, quản lý chiếm tỷ lệ 36,8%.

Kiểm định độ tin cậy thang đo bằng Cronbach’s Alpha

Độ tin cậy của thang đo được đánh giá qua hệ số Cronbach’s Alpha, qua đó các biến không phù hợp sẽ bị loại nếu hệ số tương quan biến - tổng của các biến quan sát nhỏ hơn 0,3 và thang đo sẽ được chấp nhận khi hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6 (Nguyễn Đình Thọ 2011).

Kết quả kiểm định thang đo các nhân tố: Giá trị Cronbach’s Alpha của thang đo Mức lương là 0,711; Cơ hội thăng tiến là 0,830 > 0,6; Cấp trên là 0,684; Đồng nghiệp là 0,730; Hiệu quả công việc là 0,847; Môi trường làm việc là 0,814; Phúc lợi là 0,839 và thang đo của Sự gắn bó là 0,853 và các biến SGB1, SGB2, SGB3, SGB4, SGB5, SGB6, SGB7 và SGB8 đều có hệ số tương quan biến - tổng lớn hơn 0,3 nên các biến này sẽ được đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA tiếp theo.

Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Sau khi đã kiểm định độ tin cậy của thang đo, nghiên cứu tiếp tục kiểm định giá trị của thang đo bằng kỹ thuật phân tích nhân tố khám phá (EFA). Các trị số cơ bản cần thỏa mãn gồm: Giá trị Eigenvalue dùng trích yếu tố tối thiểu bằng 1; Với cỡ mẫu nghiên cứu là 340, theo Nguyễn Đình Thọ (2011) thì hệ số tải nhân tố tối thiểu bằng 0,55 (quy mô mẫu trong phạm vi từ 100 đến 350); Đồng thời, kiểm định 0,5 < KMO = 0,781< 1, kiểm định Bartlett phải có Sig. <0,05; Tổng phương sai trích = 63,997% > 50%.

Theo kết quả phân tích, 7 nhân tố đều thể hiện mối tương quan với 30 biến quan sát được sắp xếp theo hệ số tương quan từ cao xuống thấp và vẫn giữ nguyên tên đối với các nhân tố này.

Kết quả phân tích mô hình cho thấy, hệ số 0,5 < KMO = 0,836 < 1, thỏa mãn điều kiện kiểm định, nên phân tích nhân tố (EFA) là phù hợp cho dữ liệu thực tế. Kiểm định Bartlett có Sig. = 0,000 < 0,05 nên các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện.

Phân tích hồi quy

- Kiểm định mô hình nghiên cứu

Trước tiên tác giả sẽ đánh giá chỉ tiêu độ phù hợp của mô hình trước khi kiểm định hồi quy bội. Bảng 1 cho thấy, giá trị hệ số R2 hiệu chỉnh bằng 0,852, có nghĩa là mô hình hồi quy giải thích được 85,2% sự biến thiên của sự gắn bó của nhân viên du lịch. Sau khi phân tích phương sai (ANOVA) của mô hình, giá trị thống kê F = 254,472, tại mức ý nghĩa (Sig.) = 0,000 < 0,05 nên có thể kết luận rằng mô hình đưa ra phù hợp với dữ liệu thực tế.

Theo kết quả hồi quy bội cho thấy, tất cả các nhân tố đại diện đều có giá trị VIF < 2 nên mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến. Tuy nhiên, nhân tố HQCV, CT, ĐN có giá trị Sig. lần lượt là 0,715; 0,124; 0,810 (p-value > 0,05) nên 3 nhân tố này không có ý nghĩa khi đưa vào mô hình, tác giả sẽ loại bỏ 3 nhân tố này.

- Phương trình hồi quy tuyến tính

Từ kết quả hồi quy đa biến ở trên, phương trình hồi quy tuyến tính đo lường sự gắn bó lâu dài của nhân viên du lịch (SGB) đối với DN tại tỉnh Vĩnh Long được xác định như sau:

SGB = 0,809*CHTT + 0,246*PL + 0,046*MTLV + 0,044*ML

Như vậy, có sự gắn bó lâu dài của nhân viên du lịch = 0,809*Cơ hội thăng tiến + 0,246*Phúc lợi + 0,046*Môi trường làm việc + 0,044*Mức lương.

Từ những phân tích trên có thể rút ra kết luận rằng, mô hình lý thuyết là chưa phù hợp với dữ liệu nghiên cứu vì có 7 giả thuyết đưa ra nhưng chỉ có 04 giả thuyết nghiên cứu được chấp nhận là H1, H2, H6 và H7. Qua kết quả kiểm định mô hình lý thuyết có được mô hình điều chỉnh như Hình 2.

H&igrave;nh 2: M&ocirc; h&igrave;nh nghi&ecirc;n cứu hiệu chỉnh. Nguồn: T&aacute;c giả tổng hợp (2024)
Hình 2: Mô hình nghiên cứu hiệu chỉnh. Nguồn: Tác giả tổng hợp (2024)

- Kiểm định giả thuyết nghiên cứu

Bảng 1: Chỉ tiêu đánh giá độ phù hợp của mô hình

R

R2

R2 hiệu chỉnh

Độ lệch chuẩn ước lượng

0,925

0,855

0,852

0,220

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu khảo sát (2024)

 

Từ kết quả nghiên cứu, tổng hợp kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu với mức ý nghĩa thống kê 5%. Nhân tố “Mức lương” có Sig. = 0,048 < 0,05 , nhân tố “Cơ hội thăng tiến” có Sig. = 0,000 < 0,05, nhân tố “Môi trường làm việc” có Sig. = 0,043 < 0,05, nhân tố “Phúc lợi” có Sig. = 0,000 < 0,05. Do đó, các nhân tố này và nhân tố “Sự gắn bó lâu dài của nhân viên du lịch” có tương quan cùng chiều. Nói theo cách khác khi phúc lợi càng cao thì sự gắn bó lâu dài của nhân viên du lịch sẽ gia tăng. Vậy, giả thuyết mô hình được chấp nhận.

Giải pháp đề xuất

Về chế độ phúc lợi

- Quỹ Khen thưởng. Để khuyến khich, động viên nhân viên làm viêc hiệu quả, lãnh đạo doanh nghiệp (DN) cần đề ra các quy định về thành lập Quỹ Khen thưởng, cụ thể các loại hình khen thưởng như sau: Khen thưởng nhân viên làm việc tốt, hàng tháng, quý, năm; Khen thưởng nhân viên xuất sắc bằng lời cảm ơn viết tay hoặc tạo điều kiện thuận lợi về thời gian nghỉ phép ngoài thời gian nghỉ phép theo quy định của pháp luật.

- Phụ cấp tăng thêm cho nhân viên. DN cần ban hành quy định như: Phụ cấp về nhà ở, phụ cấp tiền xăng xe, điện thoại, phụ cấp nuôi con dưới 12 tháng tuổi, phụ cấp hỗ trợ một phần mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên, tổ chức chuyến du lịch hàng năm, tháng cho nhân viên du lịch, hỗ trợ tiền khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên...

Về môi trường làm việc

- Thời gian làm việc của nhân viên du lịch. DN cần quản lý thời gian của nhân viên một cách hiệu quả: Lập kế hoạch công việc hàng ngày; Sử dụng công cụ quản lý thời gian cho nhân viên; Xác định ưu tiên công việc.

- Điều kiện làm việc, nơi làm việc phải đảm bảo tính an toàn, thoải mái. DN chú trọng môi trường làm việc của nhân viên: Cải thiện không gian làm việc rộng rãi, an toàn; Cung cấp đầy đủ các phương tiện và vật dụng cần thiết cũng như các máy móc thiết bị phục vụ cho công việc; Tạo chỗ nghỉ ngơi, ăn trưa cho nhân viên du lịch.

Về cơ hội thăng tiến

+ Thu hút nhân tài và xây dựng lộ trình thăng tiến nghề nghiệp cụ thể cho nhân viên không chỉ là một phương tiện để giữ chân nhân tài mà còn là một yếu tố quan trọng giúp DN thu hút và giữ chân nhân viên có trình độ cao.

+ Cải thiện tính gắn bó và năng suất làm việc: DN cần đưa ra lộ trình thăng tiến cụ thể và rõ ràng để họ hiểu rằng việc nỗ lực và phấn đấu là cần thiết để đạt được mục tiêu của mình. Điều này thúc đẩy đội ngũ nhân viên làm việc năng suất hơn và tăng cường cam kết đối với mục tiêu của DN.

Về mức lương

+ Nguyên tắc trả lương và tạo động lực cho nhân viên: DN cần trả lương đúng mức và công bằng để tạo động lực cho nhân viên, kết hợp khuyến khích thưởng.

+ Trả lương khen thưởng cuối năm theo chỉ tiêu doanh số: Lãnh đạo DN du lịch cần khen thưởng cuối năm cho nhân viên như: Doanh thu theo số lượng lớn, theo doanh số hàng tháng theo nhóm và phù hợp; trả lương cuối năm tích lũy theo chỉ tiêu KPI và quy định hiện hành.

+ Thưởng thêm tháng lương thứ 13 cho toàn nhân viên để động viên, tạo động lực cho họ tiếp tục cống hiến mà còn thể hiện sự đánh giá và trân trọng từ phía DN đối với sự cống hiến của họ.

Kết luận

Với kết quả phân tích và giải pháp trên, có thể thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến sự gắn bó của nhân viên tại DN du lịch tại Vĩnh Long không giống như những kết quả nghiên cứu trước đây về mức độ hài lòng của nhân viên.

Sự hài lòng của nhân viên tại DN du lịch tại Vĩnh Long phụ thuộc vào các yếu tố sau: Chế độ phúc lợi, điều kiện làm việc, đào tạo - thăng tiến, chế độ mức lương. Đây là điều cần chú ý đối với các DN du lịch ở Vĩnh Long.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quan Minh Nhựt và Đặng Thị Đoan Trang (2015), “Nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn bó của người lao động có trình độ đại học trở lên trong các doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ”. Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, 38: 1-9;
  2. Nguyễn Phúc Nguyên, Dương Phú Tùng (2015), Các nhân tố ảnh hưởng đến sự thỏa mãn công việc của cán bộ công chức, viên chức các cơ quan hành chính sự nghiệp TP. Hội An, Tạp chí Khoa học Kinh tế- Trường Đại học Kinh tế, 3(3), 57-62;
  3. Louise M.I., 2014. Job Satisfaction and Organizational Commitment in Multicultural Work Environments in Norway. Norwegian School of Economics, Bergen, 79 pages;
  4. Bhumika Gupta, Jeayaram Subramanian (2014), Factors Affecting Motivation among Employees in Consultancy Companies, International Journal of Engineering Science Invention, 3(11), PP.59.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2024