Nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nắm giữ tiền mặt của công ty niêm yết ngành Hàng tiêu dùng Việt Nam

Đào Thị Hương - Trường Đại học Thủy lợi

Bài viết đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến việc nắm giữ tiền mặt của các công ty niêm yết ngành hàng tiêu dùng Việt Nam với dữ liệu được thu thập từ báo cáo tài chính kiểm toán từ năm 2010 đến 2022 của 68 công ty. Kết quả nghiên cứu chỉ ra tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) không tác động đến tỷ lệ nắm giữ tiền mặt (CASH), chi phí vốn (CAPEX) tác động ngược chiều, quy mô tổng tài sản (LnTTS), vốn lưu động ròng (NWC), dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CF) tác động cùng chiều đến tỷ lệ nắm giữ tiền mặt (CASH).

Cơ sở lý thuyết

Chi phí vốn (CAPEX) và tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA)

Một DN có chi phí đầu tư lớn sẽ có ít hoặc không có thặng dư tiền mặt, nghĩa là nắm giữ ít tài sản thanh khoản hơn (Opler và cộng sự, 1999). Chi phí vốn để hình thành tài sản cố định có thể giúp gia tăng khả năng vay vốn thông qua việc sử dụng tài sản mới làm tài sản thế chấp, từ đó giảm tỷ lệ nắm giữ tiền mặt của DN (Bates và cộng sự, 2009, Diaw, 2021, Kim và cộng sự, 2011, Chen, 2008).

Tuy nhiên, việc đầu tư này trong tương lai sẽ mang lại lợi ích tài chính cho DN, do đó, có mối tương quan dương giữa ROA và chi phí vốn với việc nắm giữ tiền mặt (Ogundipe và cộng sự, 2012).

Quy mô công ty (LnTTS)

Quy mô tài sản của DN là một yếu tố thể hiện khả năng tài chính. Quy mô lớn hơn thường giúp DN vượt qua các rào cản và tạo ra nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn bên ngoài, giảm sự phụ thuộc vào tài chính nội bộ, ngược lại các DN nhỏ thường phải giữ một lượng tiền mặt lớn hơn do chi phí tiếp cận vốn cao (Al-Najjar, 2013). Do vậy, quy mô DN có thể tác động ngược chiều đến nắm giữ tiền mặt (Almeida và cộng sự, 2004, Bigelli và Sanchez-Vidal, 2012, Drobetz và Gruninger, 2007). Tuy nhiên, tại DN lớn, do có ít hiện tượng bất cân xứng thông tin gắn với việc giữ tiền làm cho quy mô công ty có tương quan cùng chiều với nắm giữ tiền mặt (Diaw, 2021, Al-Najjar, 2013, Ferreira và Vilela, 2004, Opler và cộng sự, 1999, Kafayat và cộng sự, 2014, Ozkan, 2004).

Vốn lưu động ròng (NWC)

Vốn lưu động ròng là một giải pháp thay thế hoàn hảo cho tiền mặt, các DN có mức vốn lưu động ròng cao thay thế tiền mặt bằng các tài sản lưu động khác (Bigelli và Sanchez-Vidal, 2012, Lian và cộng sự, 2011).

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CF)

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và tiền mặt có mối quan hệ ngược chiều (Kim và cộng sự, 2011) vì dòng tiền làm giảm sự cần thiết phải dự trữ tiền mặt. Tuy nhiên, các DN tạo ra dòng tiền có khả năng giữ lại một số tiền mặt để tài trợ cho các khoản đầu tư hoặc sử dụng trong thời điểm khó khăn, do đó giữa dòng tiền và dự trữ tiền mặt có mối quạn hệ cùng chiều (Opler và cộng sự, 1999, Ferreira và Vilela, 2004, Ogundipe và cộng sự, 2012, Uyar và Kuzey, 2014, Diaw, 2021).

Đòn bẩy tài chính (LEV)

Nợ là một cách thay thế cho tiền mặt, vì thế, nếu DN có mối quan hệ chặt chẽ với ngân hàng thì thường giữ ít tiền hơn (Luo, 2005). DN có đòn bẩy tài chính thấp, vốn lưu động thuần và chi phí vốn thấp hơn có nhiều khả năng gia tăng nắm giữ tiền mặt (Chen và Liu, 2013).

Tốc độ tăng trưởng (REV_GR)

Một DN có nhiều cơ hội tăng trưởng thì có xu hướng nắm giữ tiền mặt nhiều hơn, đặc biệt nếu dự án đầu tư có tiềm năng thì chi phí cơ hội do thiếu thanh khoản càng nghiêm trọng (Ferreira và Vilela, 2004). Để tránh những chi phí trên, các DN có các dự án đầu tư tiềm năng cao thường tăng cường thanh khoản để giảm thiểu rủi ro đầu tư trong tương lai, vì thế cơ hội tăng trưởng và việc nắm giữ tiền mặt có mối quan hệ cùng chiều. Tuy nhiên, các DN có cơ hội tăng trưởng thấp thường tích trữ nhiều tiền mặt hơn do nhà quản trị có năng lực kém dẫn đến có mối quan hệ ngược chiều giữa hai biến.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu thứ cấp thu thập từ báo cáo tài chính sau kiểm toán từ năm 2010 đến năm 2022 của 68 DN niêm yết ngành hàng tiêu dùng. Sau khi tính toán các chỉ số tài chính bằng phần mềm Excel, tác giả sử dụng phần mềm Stata 16 để thực hiện hồi quy và kiểm định. Các biến nghiên cứu được mô tả trong Bảng 1.

Bảng 1: Mô tả biến và phương pháp đo lường

Tên biến

Mô tả

Cách đo lường

Nguồn

Chiều

tác động

CASH

Tỷ lệ nắm giữ tiền mặt

Tiền và các khoản tương đương tiền/Tổng tài sản ròng

Kafayat và cộng sự (2014)

 

ROA

Tỷ suất sinh lời trên tổng số tài sản

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh/Tổng tài sản

Ogundipe và cộng sự (2012)

+

CAPEX

Chi phí vốn

Chi phí vốn/Tổng tài sản

Opler và cộng sự (1999), Bates và cộng sự (2009), Diaw (2021), Kim và cộng sự (2011), Chen (2008)

-

LnTTS

Quy mô

tài sản doanh nghiệp

Ln (Tổng tài sản)

Al-Najjar (2013), Almeida và cộng sự (2004), Al-Najjar (2013), Bigelli và Sanchez-Vidal (2012), Drobetz và Gruninger (2007)

-

Diaw (2021), Al-Najjar (2013), Ferreira và Vilela (2004), Opler và cộng sự (1999), Kafayat và cộng sự (2014)

+

NWC

Vốn lưu động ròng

(Tài sản ngắn hạn - Nợ ngắn hạn)/Tổng tài sản ròng

Lian và cộng sự (2011), Bigelli và Sanchez-Vidal (2012), Al-Najjar (2013)

-

Kafayat và cộng sự (2014)

+

CF

Tỷ lệ dòng tiền hoạt động trên tổng tài sản

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh/Tổng tài sản

Opler và cộng sự (1999), Ferreira và Vilela (2004), Uyar và Kuzey (2014), Diaw (2021)

+

Kim và cộng sự (2011)

-

LEV

Đòn bẩy tài chính

Tổng nợ/Tổng tài sản

Bigelli và Sanchez-Vidal (2012), Luo (2005), Uyar và Kuzey (2014), Diaw (2021)

-

REV_GR

Tốc độ

ng trưởng

doanh thu

(Doanh thut – Doanh thut-1)/ Doanh thut-1

Ferreira và Vilela (2004), Williamson (1988), Harris và Raviv (1990), Opler và cộng sự (1999), Ozkan và Ozkan (2004)

+

Diaw (2021)

-

Nguồn: Tác giả tổng hợp

 

Kết quả nghiên cứu

Kết quả thống kê mô tả cho thấy: Tỷ lệ nắm giữ tiền mặt chiếm khoảng 10,52% tổng tài sản. Tỷ lệ này tương đối thấp, cho thấy bản thân các DN có thể không đánh giá cao việc giữ tiền mặt nhiều. ROA trung bình là 8,9%, LEV trung bình là 42%, CF trung bình là 7,97%, NWC trung bình là 23,01%. CAPEX có giá trị trung bình là 4,66%, cho thấy mức độ đầu tư không quá cao. Tốc độ tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2010-2022 không quá cao (bình quân toàn giai đoạn là 12,28%) mặc dù ngành hàng tiêu dùng được đánh giá là tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng tốt. Lý do của kết quả này có thể là trong chuỗi thời gian nghiên cứu có thời kỳ đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến kết quả của các DN trong ngành.

Theo ma trận tương quan, các biến ROA, NWC có tương quan thuận với CASH, biến CAPEX, LnTTS, LEV, REV_GR có tương quan nghịch với CASH. Để kiểm định có hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến trong mô hình không, tác giả sử dụng độ phóng đại phương sai. Kết quả kiểm định đa cộng tuyến cho thấy, Mean VIF = 1.31, như vậy không có hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến trong mô hình.

Tiếp theo, tác giả tiến hành hồi quy theo FEM, REM và sử dụng kiểm định Hausman để lựa chọn mô hình. Kết quả của kiểm định Hausman (P-value = .0000 < .05) cho thấy, mô hình REM là phù hợp. Để kiểm tra khuyết tật phương sai sai số ngẫu nhiên thay đổi và khuyết tật tự tương quan, tác giả sử dụng kiểm định Modified Wald và kiểm định Wooldridge. Kết quả kiểm định cho thấy, có hiện tượng phương sai thay đổi và hiện tượng tự tương quan nên ước lượng GLS được sử dụng để khắc phục các khuyết tật này. Kết quả nghiên cứu được thực hiện theo ước lượng GLS (mô hình (2) Bảng 3).

Kết quả hồi quy cho biết: biến ROA, LEV không tác động đến CASH, biến CAPEX, REV_GR tác động ngược chiều, các biến LnTTS, NWC và CF tác động cùng chiều đến CASH.

ROA và LEV không tác động đến CASH. Kết quả này ngược với kết luận của Ogundipe và cộng sự (2012), Kafayat và cộng sự (2014), Uyar và Kuzey (2014), Diaw (2021) và Guizani (2017). Trong ngành hàng tiêu dùng, các công ty thường có chu kỳ thu tiền nhanh, tài sản dễ thanh khoản, do đó tỷ lệ nắm giữ tiền mặt không phụ thuộc nhiều vào ROA. Mặt khác, các DN có thể sử dụng các công cụ tài chính khác nhau, chẳng hạn nguồn vốn ngoại sinh mà không phụ thuộc hoàn toàn vào tiền mặt, điều này cho thấy CASH không bị ảnh hưởng bởi LEV.

NWC tác động cùng chiều với CASH. Kết quả hồi quy phù hợp với nghiên cứu của Kafayat và cộng sự (2014) nhưng ngược với kết luận của Lian và cộng sự (2011), Bigelli và Sanchez-Vidal (2012), Al-Najjar (2013). Khi NWC tăng, DN có nhiều tiền mặt hơn so với nợ, từ đó tăng khả năng nắm giữ tiền mặt trong tài sản của DN. Ngoài ra, khi NWC tăng lên, một phần lớn tài sản ngắn hạn của DN có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt, mức độ thanh khoản cao hơn có thể dẫn đến việc tăng lượng tiền mặt nắm giữ.

CF tác động cùng chiều đến CASH. Kết quả đồng nhất với kết luận của Opler và cộng sự (1999), Ferreira và Vilela (2004), Ogundipe và cộng sự (2012) và củng cố lý thuyết trật tự phân hạng. Ngành hàng tiêu dùng thường có chu kỳ thu hồi tiền ngắn, khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tăng, DN đang tạo ra nhiều dòng tiền từ việc bán hàng, từ đó tăng khả năng nắm giữ tiền mặt.

CAPEX có tác động ngược chiều với CASH. Kết quả này ủng hộ kết luận của Opler và cộng sự (1999), Bates và cộng sự (2009), Diaw (2021). Khi DN đầu tư nhiều hơn vào tài sản cố định và mở rộng hoạt động kinh doanh làm cho chi phí vốn tăng, lượng tiền mặt sẽ giảm xuống.

LnTTS có tác động cùng chiều đến CASH. Kết quả này ngược với kết luận của Al-Najjar (2013), Almeida và cộng sự (2004); Bigelli và Sanchez-Vidal (2012), Drobetz và Gruninger (2007) nhưng phù hợp với kết luận của Diaw (2021), Al-Najjar (2013), Ferreira và Vilela (2004), Opler và cộng sự (1999). Điều này được giải thích là quy mô DN tăng lên cho thấy có thể công ty đang thực hiện các chiến lược đầu tư và mở rộng, bao gồm việc đầu tư vào các dự án kinh doanh, mua sắm tài sản cố định mới hoặc mở rộng sản xuất. Những hoạt động này đòi hỏi một lượng lớn tiền mặt để thực hiện, dẫn đến việc giảm nắm giữ tiền mặt.

REV_GR có tác động ngược chiều đến CASH. Kết quả này phù hợp với kết luận của Diaw (2021) nhưng ngược với kết luận của Ferreira và Vilela (2004), Williamson (1988)... Tốc độ tăng trưởng doanh thu ảnh hưởng ngược chiều đến tỷ lệ nắm giữ tiền mặt trong DN ngành hàng tiêu dùng vì khi doanh thu tăng, DN thường cần đầu tư vào mở rộng kinh doanh và chi phí quảng cáo, tiếp thị.

Kết luận

Dựa trên kết quả nghiên cứu, các nhà quản trị DN hàng tiêu dùng niêm yết trong phạm vi nghiên cứu có thể đưa ra các giải pháp phù hợp trong quản trị tiền mặt, như sau:

Một là, tối ưu hóa quản lý vốn lưu động. Nhà quản trị cần lưu ý đến việc cải thiện quy trình thu hồi tiền từ khách hàng, quản lý hiệu quả các khoản thanh toán và quản lý tồn kho. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tối ưu hóa quản lý vòng quay tiền.

Hai là, sử dụng chiến lược đầu tư hợp lý. DN nên đánh giá lại chiến lược đầu tư, xác định các dự án đầu tư có lợi nhuận cao và tối ưu hóa sử dụng nguồn lực vốn.

Ba là, quản lý hiệu quả dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. DN cải thiện quy trình thu tiền, tối ưu hóa chi phí vận hành, quản lý hiệu quả các khoản thanh toán đối với nhà cung cấp...

Bốn là, tăng cường đánh giá và theo dõi tình hình tài chính DN và điều chỉnh khi cần thiết.

Tài liệu tham khảo:

  1. Almeida, H., Campello, M. & Weisbach, M.S. (2004). “The cash flow sensitivity of cash”. The Journal of Finance, 59(4), 1777-1804;
  2. Al-Najjar, B. (2013). “The financial determinants of corporate cash holdings: Evidence from some emerging markets”. International Business Review, 22(1), 77-88;
  3. Bates, T.W., Khale, K.M. & Stulz, R.M. (2009). “Why do US firms hold so much more cash than they used to?”. Journal of Finance, 64, 1985-2021.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2024