Nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đồng Nai


Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì kế toán quản trị là công cụ hỗ trợ đắc lực không thể thiếu, quyết định đến quá trình quản lý trong doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhóm tác giả nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước về tầm quan trọng của việc vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp, từ đó đề xuất giả thuyết nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Đồng Nai.

Giới thiệu

Đồng Nai là tỉnh thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước. Tính đến năm 2020, Đồng Nai có trên 38 nghìn doanh nghiệp (DN). Trong đó, DN nhỏ và vừa chiếm trên 86% trong tổng số các loại hình DN. Các DN này đã và đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thị trường toàn cầu bị các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia chi phối.

Để quá trình quản lý hiệu quả, phát huy được sức mạnh của DN, từ đó nắm bắt và vận dụng tối ưu các cơ hội phát triển thì nhu cầu thông tin về tiềm lực và nội bộ trong DN là một trong các nhân tố không thể thiếu, trong đó kế toán quản trị là công cụ hỗ trợ đắc lực.

Tính đến năm 2020, Đồng Nai có trên 38 nghìn doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 86% trong tổng số các loại hình doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này đã và đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thị trường toàn cầu bị các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia chi phối.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống kế toán của các DN nói chung và các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng mới chỉ chú trọng đến kế toán tài chính, chưa nhận thức, nắm bắt được tầm quan trọng của việc vận dụng kế toán quản trị vào trong lĩnh vực quản lý. Do đó, nghiên cứu, tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ giúp khu vực DN này hoạt động ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tăng trưởng bền vững và góp phần phát triển bền vững kinh tế địa phương.

Các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị trong doanh  nghiệp

Nghiên cứu ở nước ngoài

Việc vận dụng kế toán quản trị trong DN luôn là chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm. Chẳng hạn như: Ahmad, K. (2012) đã xem xét các yếu tố giải thích mức độ thực hành kế toán quản trị tại các công ty vừa và nhỏ ở Malaysia.

Trong nghiên cứu, tác giả kiểm định sự tác động của 5 nhân tố. Sau khi phân tích dữ liệu bằng phân tích hệ số tương quan Kendall Tau, kết quả cho thấy các biến: Quy mô DN; mức độ cạnh tranh thị trường; cam kết của chủ sở hữu/nhà quản trị; công nghệ sản xuất tiên tiến có tác động tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị tại các công ty có quy mô vừa ở Malaysia. Còn trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán lại không có tác động tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong DN.

Tương tự, nhóm tác giả Sudhashini Nair và Yee Soon Nian (2017) đã kiểm định sự tác động của 4 biến độc lập. Sau khi phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS kết quả cho thấy, biến quy mô tổ chức và biến công nghệ sản xuất tiên tiến có tác động tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong DN ở Malaysia. Trong khi đó, các biến mức độ cạnh tranh của thị trường, trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán có tác động tiêu cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong DN.

Ở Pakistan, Sidra Shahzadi, Rizwan Khan và Maryam Toor (2018) thực hiện nghiên cứu tác động của các nhân tố bên trong và bên ngoài đến việc vận dụng kế toán quản trị. Kết quả cho thấy, biến môi trường không ổn định; cơ cấu tổ chức; công nghệ sản xuất tiên tiến; tổng quản lý chất lượng và đúng sản phẩm, đúng số lượng, đúng nơi và đúng thời điểm sản xuất (JIT) có tác động tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong DN ở Pakistan. Hai biến còn lại là cạnh tranh của thị trường và chiến lược cạnh tranh lại không có tác động tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong DN.

Cũng nghiên cứu về vấn đề này, nhóm tác giả Diah Agustina Prihastiwi, Mahfud Sholihin (2018) đã thực hiện khảo sát ở các DN vừa và nhỏ ở Indonesia. Nghiên cứu đưa ra 5 nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị tại các DN nhỏ và vừa. Kết quả cho thấy, các biến trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán quản trị, mức độ tham gia của chủ sở hữu/người quản lý và quy mô công ty ảnh hưởng đáng kể đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DN vừa và nhỏ tại Indonesia. Các biến môi trường không ổn định và cạnh tranh thị trường không có tác động tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong DN.

Nghiên cứu ở Việt Nam

Tại Việt Nam, việc vận dụng kế toán quản trị ở các DN cũng được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu. Trần Ngọc Hùng (2016) nghiên cứu về các nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DN  nhỏ và vừa tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến như: Quy mô DN; chi phí cho việc tổ chức kế toán quản trị; văn hóa DN; chiến lược kinh doanh; mức độ sở hữu của Nhà nước; mức độ cạnh tranh của thị trường; nhận thức về kế toán quản trị của người chủ/người điều hành DN… có ảnh hưởng tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam. Riêng nhân tố trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán lại không có tác động tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DN nhỏ và vừa.

Không dừng lại ở việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng kế toán quản trị trong các DN, nhiều học giả trong nước còn tiến hành nghiên cứu ở các địa điểm, tỉnh thành cụ thể. Chẳng hạn như: Nghiên cứu của Trần Thị Yến (2017) thực hiện ở 90 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Định. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến: Nhận thức của người chủ/người điều hành DN; trình độ nhân viên kế toán trong DN và quy mô DN có ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DN. Duy chỉ có biến mức độ cạnh tranh của thị trường là không có ảnh hưởng đến việc vận dụng này.

Hay nghiên cứu của Nguyễn Tiến Nhân (2019) thực hiện trong các DN ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả 7 biến độc lập đều tác động cùng chiều với mức độ tác động sắp xếp theo trình tự giảm dần, đó là: Nhận thức về kế toán quản trị của nhà quản trị; Chi phí tổ chức; Trình độ nhân viên kế toán; Quy mô DN; Mức độ cạnh tranh của thị trường; Chiến lược kinh doanh và cuối cùng là JIT.

Đề xuất giả thuyết nghiên cứu

Từ các nghiên cứu trong và ngoài nước, nhóm tác giả để xuất một số giả thuyết nghiên cứu sau:

Quy mô DN: Quy mô DN là một nhân tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu tổ chức bộ máy quản trị DN. Nghiên cứu của các học giả sau: Sudhashini Nair 1 & Yee Soon Nian (2017); Sidra Shahzadi, Rizwan Khan & Maryam Toor (2018) hay nghiên cứu của tác giả Trần Ngọc Hùng (2016) thực hiện tại Việt Nam… đều cho rằng, quy mô là một nhân tố có ảnh hưởng tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DN. Do đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau: Quy mô DN có ảnh hưởng tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DN nhỏ và vừa.

Mức độ cạnh tranh của thị trường: Để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường, thì nâng cao năng lực cạnh tranh là nhu cầu tất yếu đối với DN, nhằm mục đích chiếm lĩnh thị phần, tiêu thụ được nhiều sản phẩm hàng hoá để đạt được lợi nhuận cao nhất. Do đó, nhân tố mức độ cạnh tranh của thị trường được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu, điển hình như trong các nghiên cứu của: Ahmad, K. (2012), Trần Ngọc Hùng (2016), Đoàn Ngọc Phi Anh (2016), Thái Anh Tuấn (2018), Nguyễn Tiến Nhân (2019). Nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu sau: Mức độ cạnh tranh của thị trường có ảnh hưởng tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DN nhỏ và vừa.

Công nghệ sản xuất tiên tiến: Trong nền kinh tế thị trường, để đứng vững trong điều kiện cạnh tranh  đòi hỏi các DN phải tích cực đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu của Ahmad, K. (2012); Sudhashini Nair & Yee Soon Nian (2017); Sidra Shahzadi, Rizwan Khan & Maryam Toor (2018) đều cho thấy, công nghệ sản xuất tiên tiến có tác động hỗ trợ các DN duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Do đó, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau: Công nghệ sản xuất tiên tiến có ảnh hưởng tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DN nhỏ và vừa.

Trình độ nhân viên kế toán: Nghiên cứu của Diah Agustina Prihastiwi, Mahfud Sholihin (2018) tại Indonesia đã chỉ ra rằng, nhân viên kế toán có trình độ có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc vận dụng kế toán quản trị trong DN quy mô vừa và nhỏ. Nghiên cứu của: Trần Thị Yến (2017); Thái Anh Tuấn (2018) và Nguyễn Tiến Nhân (2019) cũng đưa ra nhận định tương tự. Nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu sau: Trình độ nhân viên kế toán có ảnh hưởng tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DN nhỏ và vừa.

Nhận thức về kế toán quản trị của nhà quản trị: Nhà quản trị là người trực tiếp cần sử dụng các thông tin kế toán quản trị để đề ra các quyết định và điều hành hoạt động trong DN. Do vậy, các nhà quản trị cần phải nắm bắt được vai trò của kế toán quản trị trong quá trình ra quyết định và nhu cầu sử dụng thông tin của nhà quản trị.

Nghiên cứu của các tác giả Ahmad, K. (2012); Diah Agustina Prihastiwi, Mahfud Sholihin (2018) hay của Trần Ngọc Hùng (2016); Trần Thị Yến (2017) và Thái Anh Tuấn (2018)… đồng tình với quan điểm có sự ảnh hưởng trong nhận thức về kế toán quản trị của nhà quản trị đến việc vận dụng kế toán quản trị DN. Do đó, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết sau: Nhận thức về kế toán quản trị của nhà quản trị ảnh hưởng tích cực đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DN nhỏ và vừa.

Kết luận

Kế toán quản trị được coi là một hệ thống trợ giúp cho các nhà quản lý ra quyết định, là phương tiện để thực hiện kiểm soát quản lý trong DN. Do đó, việc vận dụng kế toán quản trị vào DN sẽ giúp các nhà quản lý đưa ra được các phương pháp lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN.

Hơn nữa, việc nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán quản trị trong DN nhỏ và vừa tại Đồng Nai sẽ cung cấp bằng chứng thực nghiệm, góp phần gợi ý cho các nhà quản trị DN trong việc vận dụng kế toán quản trị. Từ đó, khuyến khích ngày càng nhiều các DN này áp dụng kế toán quản trị, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng và thúc đẩy sự phát triển của kế toán quản trị ở Việt Nam nói chung.         

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Ngọc Hùng (2016), Các nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh;

2. Nguyễn Tiến Nhân (2019), “Các nhân tố tác động đến việc áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Tạp chí Công thương, (T3);

3. Thái Anh Tuấn (2018), “Một số nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp”, Tạp chí Tài chính, (T9-2);

4. Thái Anh Tuấn (2018), “Mức độ áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp Việt Nam - Kết quả từ nghiên cứu thực nghiệm”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế sử dụng dữ liệu và công nghệ trong kế toán quản trị - chìa khóa nâng cao hiệu quả hoạt động và giá trị doanh nghiệp, NXB Tài chính, tr.183-192;

5. Ahmad, K. (2012), The use of management accounting practices in Malaysian SMEs, University of Exeter, Doctor thesis;

6. Diah Agustina Prihastiwi và Mahfud Sholihin (2018), “Factors Affecting the Use of Management Accounting Practices in Small and Medium Enterprises: Evidence from Indonesia”, Jurnal Dinamika Akuntansi, 10(1), pp. 158-176;

7. Sidra Shahzadi, Rizwan Khan, Maryam Toor, Ayaz ul Haq (2018) "Impact of external and internal factors on management accounting practices: a study of Pakistan", Asian Journal of Accounting Research, 4(2);

8. Sudhashini Nair & Yee Soon Nian (2017), “Factors Affecting Management Accounting Practices in Malaysia”, International Journal of Business and Management, 12(10);

9. Các website: baodongnai.com.vn, dpidongnai.gov.vn, thongke.dongnai.gov.vn…

(*) ThS. Nguyễn Thị Ngọc Bích, ThS. Thái Thị Hoài Thương-Trường Đại học Đồng Nai.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.