Nhân tố tác động đến tăng trưởng ngành Nông nghiệp của Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 Tháng 3/2020

Chi tiêu của Chính phủ cho nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tính hiệu quả của các chương trình chi tiêu Chính phủ nói chung hay thành phần nào của chi tiêu đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng nông nghiệp nói riêng là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Bài viết đánh giá tác động của các nhân tố đến tăng trưởng ngành nông nghiệp của Việt Nam giai đoạn từ 2005 đến nay và thảo luận kết quả thực nghiệm tìm được…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cơ sở lý thuyết

Để xác định các nhân tố tác động đến sự phát triển của ngành Nông nghiệp, bài viết áp dụng các mô hình kinh tế cổ điển của Adam Smith, David Ricardo, John Stuart Mill và Jean-Baptiste Say; Mô hình kinh tế Keynes; Mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế Post-Keynesian…

Các nhân tố tác động đến tăng trưởng ngành Nông nghiệp:

Chi tiêu chính phủ (AG, ST, E, PSP): Các nghiên cứu trên thế giới như:  Alshahrani et al. (1997) (sử dụng dữ liệu chi tiêu công của Chính phủ Ả Rập Saudi cho nông nghiệp), Gemmell, Kneller & Sanz (2015) (sử dụng nhiều mô hình hồi quy ở Nigeria trong giai đoạn 1970 và 2011) đều đưa ra kết luận, chính sách chi tiêu công hợp lý có tác động tích cực đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Trong khi đó, Maingi (2010) sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian trong giai đoạn 45 năm ở Kenya và phương pháp ước lượng Vector Auto Regression (VAR) đã đưa ra kết luận, chi tiêu của Chính phủ cho giáo dục và cơ sở hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp trong dài hạn.

Cán cân thương mai ròng của ngành Nông nghiệp (NT): Học thuyết Heckscher- Ohlin về sự cân đối các yếu tố sản xuất chỉ ra rằng, trong nền kinh tế mở, mỗi nước sẽ có lợi nếu hướng đến chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm mà việc sản xuất chúng sử dụng nhiều yếu tố có lợi thế; đồng thời, nhập khẩu các sản phẩm mà việc sản xuất chúng cần nhiều yếu tố có giá đắt hơn và tương đối khan hiếm. Từ đó, có thể khẳng định, cán cân thương mại ròng của ngành Nông nghiệp các tác động tích cực đến tăng trưởng nông nghiệp.

Đầu tư tư nhân cho ngành nông nghiệp (I): Dandan (2011), Alshahrani & Alsadiq (2014) sử dụng mô hình phương trình hệ thống và kết luận rằng, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp có liên quan tích cực đến đầu tư trong nước và tư nhân trong dài hạn.

Phương pháp nghiên cứu

Từ những nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới và phân tích nghiên cứu về lĩnh vực chi tiêu công đến tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Việt Nam, tác giả xây dựng mô hình như sau:

Nhân tố tác động đến tăng trưởng ngành Nông nghiệp của Việt Nam - Ảnh 1

Trong đó:

In(AGDPt) là logarit của GDP nông nghiệp ở giai đoạn tại thời điểm t; LnAGt: là logarit chi tiêu của Chính phủ cho đầu tư phát triển ngành Nông nghiệp tại thời điểm t; LnSTt: là logarit của chi tiêu Chính phủ cho khoa học công nghệ của ngành nông nghiệp tại thời điểm t; LnEt: là logarit của chi tiêu Chính phủ cho giáo dục đào tạo của ngành nông nghiệp tại thời điểm t; LnPSPt: là logarit chi tiêu Chính phủ cho hỗ trợ giá sản phẩm nông nghiệp tại thời điểm t; LnNTt: là logarit cán cân thương mại ròng của ngành nông nghiệp tại thời điểm t; LnIt: là logarit đầu tư tư nhân cho ngành nông nghiệp tại thời điểm t.

Dữ liệu: Để tiến hành nghiên cứu thực trạng tác động của chi ngân sách nhà nước (NSNN) đến phát triển nông nghiệp, các yếu tố được đưa ra gồm: chi tiêu chính phủ cho đầu tư phát triển ngành Nông nghiệp, chi tiêu chính phủ cho khoa học công nghệ của ngành Nông nghiệp, chi tiêu chính phủ cho giáo dục đào tạo của ngành Nông nghiệp, chi tiêu chính phủ cho hỗ trợ giá sản phẩm nông nghiệp, cán cân thương mại ròng của ngành nông nghiệp, đầu tư tư nhân. Các dữ liệu này được lấy theo quý và theo năm. Để thống nhất về mặt thời gian, tác giả sử dụng đơn vị thời gian là năm. Như vậy, trong giai đoạn 2005-2018, có tổng cộng 14 quan sát.

Nhân tố tác động đến tăng trưởng ngành Nông nghiệp của Việt Nam - Ảnh 2

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Bảng 1 mô tả kết quả ước lượng mô hình hồi quy, xem xét tác động của các biến chi phát triển đầu tư, chi khoa học công nghệ (KHCN), chi giáo dục đào tạo, chi trợ giá, đầu tư của tư nhân và xuất nhập khẩu ròng đến tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Sử dụng các kiểm định Heteroskedasticity, LM và Ramsey Reset, kết quả cho thấy, mô hình là phù hợp và thỏa mãn các điều kiện của phương pháp OLS.

Vì thế, kết quả ước lượng có thể được sử dụng dể diễn giải ý nghĩa kinh tế. Với mức ý nghĩa thống kê 5% và với R2 xấp xỉ bằng 0,89, kết luận có thể rút ra là các biến độc lập trong mô hình có thể lý giải khoảng 89% cho sự thay đổi của lnAGDP. Kết quả ước lượng có thể viết lại như sau:

lnAGDP = -2.65+ 1.002853*lnNT + 0.151551*lnI+ 0.011063*lnE + 0.021551*LnST+ 0.429673*LnAG +0.028988*LnPSP

Các hệ số của các biến độc lập có ý nghĩa thống kê và dấu của các hệ số phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế tân cổ điển. Kết quả hồi quy cho thấy, chi NSNN cho đầu tư phát triển, KHCN, giáo dục đào tạo, trợ giá; vốn đầu tư tư nhân; thương mại có tác động dương tới tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Cụ thể là 1% tăng lên trong chi đầu tư phát triển, đầu tư tư nhân hay xuất nhập khẩu ròng sẽ làm GDP nông nghiệp tăng tương ứng 0,43%; 0,15% và 1,003%. Chi cho KHCN, giáo dục, trợ giá cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp nhưng tác động này còn nhỏ. Kết quả hồi quy cho thấy 1% tăng lên của chi KHCN, giáo dục, trợ giá có thể làm GDP tăng lên trung bình 0,02%; 0,01% và 0,03%.

Một số kiến nghị, đề xuất

Với các kết quả nghiên cứu nêu trên, tác giả kiến nghị một số nội dung gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan đến đầu tư công trong nông nghiệp. Theo đó, sớm hoàn thiện dự án Luật NSNN (sửa đổi) theo hướng tăng chi đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phân bổ NSNN bảo đảm hài hòa lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương thuần nông. Cần sớm ban hành Luật Quy hoạch, Luật Thủy lợi, Luật Thú y, Luật Việc làm; Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã, Luật Dạy nghề, Luật Thủy sản; Rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật về NSNN, thuế phí, đấu thầu, đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bảo hiểm nông nghiệp, dạy nghề, nhà ở, vệ sinh môi trường, hoạt động giám sát...

Trên cơ sở các văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý NSNN của trung ương, các địa phương trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực địa phương, tiến hành xây dựng chính sách vốn đầu tư cho phát triển tại địa phương mình để xác định thứ tự ưu tiên trong huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phát triển, trong đó có vốn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp và thứ tự ưu tiên các ngành, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ hai, cải thiện nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương cần tiến hành thay đổi, cải thiện công tác quản lý thu chi ngân sách, có thực tiễn ngân sách tốt hơn, tăng tính minh bạch và trách nhiệm của các nguồn lực, loại bỏ các quy định tùy ý và đấu giá công khai mờ đục. Ngoài ra, các biện pháp thúc đẩy đầu tư, việc làm và hành động để hỗ trợ đổi mới và tăng năng suất có thể tăng cường phát triển kinh tế. Phát hiện của Looney và Frederiksen (1981) cho thấy, đầu tư công là yếu tố khởi đầu trong phát triển địa phương.

Thứ ba, tiếp tục mở rộng chi ngân sách cho đầu tư nông nghiệp, bố trí hợp lý nguồn chi; Tiến hành rà soát các vùng, địa bàn còn dư địa rộng về phát triển nông nghiệp, chẳng hạn như vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhà nước nên có chính sách ưu đãi, thu hút vào những vùng trọng điểm, bởi những nơi này có các sản phẩm đủ sức cạnh tranh, tạo ra được kim ngạch xuất khẩu, tham gia sâu vào được chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu, từ đó sẽ tạo tiếng vang, gây dựng danh tiếng cho nông nghiệp Việt Nam, gây dựng vùng nông nghiệp phát triển điển hình, tạo đà phát triển cho các địa phương khác.

Thứ tư, tối ưu hóa cơ cấu chi, nâng cao hiệu quả của các khoản chi NSNN cho nông nghiệp. Thiết lập cơ chế đầu tư chính xác, nâng cao độ chính xác của các khoản chi, đảm bảo vốn được thực hiện đầy đủ đúng chỗ, đúng lúc. Các hạng mục chi nông nghiệp cần làm nổi bật các trọng điểm, trong giai đoạn hiện tại cần lấy việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện đại làm trọng tâm, gia tăng đầu tư đối với hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản xuất của các khâu then chốt và các khâu còn yếu kém. Đối với chi sản xuất nông nghiệp, trong hạng mục kinh phí sự nghiệp, chi phát triển sự nghiệp xã hội nông nghiệp cần gia tăng các khoản chi mang tính sản xuất, giảm thiểu các khoản chi phí sản xuất, mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp và dịch vụ công cơ bản cho nông nghiệp, giảm thiểu các khoản chi kinh phí hành chính, mở rộng các khoản chi về sáng tạo khoa học kỹ thuật và xúc tiến thương mại, từ đó đạt được mục tiêu tối ưu hóa cơ cấu chi nông nghiệp.

Thứ năm, thực hiện thí điểm cơ chế tích hợp nguồn vốn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách. Có thể tiến hành rà soát và hợp nhất những quỹ chuyên dụng có mục tiêu và phạm vi mục đích chính sách tương tự, tăng sự phối hợp của các cơ sở hoặc đơn vị đối với nguồn chi ngân sách.

Thứ sáu, tăng cường hiệu quả công tác giám sát trước, trong, và sau chi ngân sách; Kiện toàn xây dựng cơ chế quản lý nguồn vốn NSNN, tăng cường mức độ giám sát đối với các giai đoạn, các khâu của nguồn vốn, để tránh tình trạng, sự việc đã phát sinh mới giải quyết gây ra lãng phí thời gian và nguồn lực.       

Tài liệu tham khảo:

Bích Hồng (2019). “Xây dựng bộ dữ liệu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn”, <https://bnews.vn/xay-dung-bo-du-lieu-dao-tao-nghe-nong-nghiep-cho-lao-dong-nong-thon/130615.html>;

Al-Fawwaz (2016). Determinants of External Debt in Jordan: An Empirical Study (1990–2014). International Business Research Archives Vol. 9, No. 7 (2016);

Alshahrani & Alsadiq (2014). Economic Growth and Government Spending in Saudi Arabia: an Empirical Investigation, International Moneytary Fund, IMF Working Papers, page 26, doi: http://dx.doi.org/10.5089/9781484348796.001;

Amasoma et al (2011). “Components of Government Spending and Economic Growth in Nigeria: An Error Correction Modelling”, Journal of Economics and Sustainable Development www.iiste.org ISSN 2222-1700 (Paper) ISSN 2222-2855 (Online) Vol.2, No.4, 2011;

Aschauer, D. A. (1989). Is public expenditure productive? Journal of monetary economics, 23(2), 177-200;

Bader và Qarn (2003). Government expenditures, military spending and economic growth: causality evidence from Egypt, Israel, and Syria. Journal of Policy Modeling, 2003, vol. 25, issue 6-7, 567-583.