Nhân tố tác động đến việc trích nộp các khoản theo lương cho người lao động tại doanh nghiệp

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2021

Trích nộp các khoản theo lương cho người lao động được xem là quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn cố tình né tránh, không chịu chấp hành các quy định của nhà nước liên quan đến các khoản trích nộp theo lương do sợ hao tổn chi phí.

Trích nộp các khoản theo lương cho người lao động được xem là quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp.
Trích nộp các khoản theo lương cho người lao động được xem là quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp.

Kết quả là, việc chi trả các chế độ bảo hiểm cho người lao động gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều lao động còn bị mất đi các quyền lợi mà đáng lẽ ra họ phải được hưởng. Nhằm góp phần bảo vệ phúc lợi có liên quan đến chế độ bảo hiểm cho người lao động, bài viết trao đổi về những nhân tố tác động đến ý thức chấp hành quy định trích nộp các khoản theo lương của các nhà quản lý doanh nghiệp. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về việc trích nộp các khoản theo lương tại doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Giới thiệu

Theo quy định tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tỷ lệ trích nộp các khoản trích theo lương cho người lao động áp dụng từ ngày 1/1/2020 bao BHXH là 25,5% (DN chịu 17,5%, người lao động chịu 8%), bảo hiểm y tế (BHYT) là 4,5% (DN chịu 3% và 1,5%), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 2% (DN chịu 1%, người lao động chịu 1%) và kinh phí công đoàn (KPCĐ) là 2% (do DN chịu).

Như vậy, hàng tháng DN sẽ đóng cho cơ quan BHXH là 32% (bao gồm BHXH, BHYT và BHTN) và 2% KPCĐ cho liên đoàn lao động. Trong đó, tính vào chi phí của DN là 23,5% trên tổng tiền lương phải trả cho người lao động (ví dụ quỹ lương 1 tháng cho cán bộ công nhân viên là 100 triệu đồng, thì DN phải mất thêm 23,5 triệu đồng để tham gia các khoản trên cho người lao động). Đây là con số khá lớn, dẫn đến tình trạng trốn tránh các khoản bảo hiểm hoặc nợ bảo hiểm tồn đọng cao.

Việc DN cố tình né tránh hoặc nợ đóng các khoản bảo hiểm vẫn đang diễn ra trên cả nước và có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo thống kê của BHXH Việt Nam tính đến tháng 10/2019, có 610.000 DN đang hoạt động trên cả nước nhưng chỉ có 327.000 DN tham gia BHXH.

Trong số đó, khoản tiền nợ BHXH khó đòi là trên 2.500 tỷ đồng với lý do DN phá sản, giải thể hoặc chủ đơn vị bỏ trốn. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động cũng như phúc lợi xã hội trong việc hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, hưu trí và tử tuất. Do vậy, việc xử lý tình trạng tồn đọng nợ cũng như trốn tham gia BHXH là vấn đề cấp bách và cần giải quyết một cách triệt để.

Để ngăn chặn hành vi không tuân thủ các quy định liên quan đến BHXH, việc tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng đến ý thức chấp hành luật BHXH của các nhà quản lý là cần thiết. Bài viết đưa ra những nhân tố tác động đến ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về trích nộp các khoản theo lương cho người lao động của DN.

Từ đó, góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động thông qua việc xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định nhà nước liên quan đến việc đóng các khoản bảo hiểm và KPCĐ cho người lao động.

Các nghiên cứu liên quan

Tam giác gian lận của Cressey (1953) được dùng để lý giải rất nhiều vụ gian lận hoặc vi phạm các quy định của luật pháp và được áp dụng trong việc nghiên cứu, đánh giá rủi ro có gian lận phát sinh trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp. Cressey (1953) cho rằng, gian lận là phản ứng tự nhiên của con người.

Lần đầu tiên làm những điều trái với lương tâm và đạo đức của mình thì họ sẽ bị ám ảnh, nhưng ở những lần kế tiếp họ thực hiện gian lận sẽ không cảm thấy băn khoăn và mọi việc diễn ra dễ dàng hơn, dễ được chấp nhận hơn. Ảnh hưởng của thái độ đến hành vi gian lận còn phụ thuộc vào quan điểm, nhận định của người thực hiện.

Dekker (2008) cho rằng, sự bảo vệ an sinh xã hội thật sự cần thiết, không những đạt được sự công bằng xã hội mà còn là một công cụ không thể thiếu trong cuộc sống chống đói nghèo, Anh sinh xã hội bao gồm vả bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội. Hệ thống an sinh xã hội này nếu không toàn diện sẽ loại trừ nhiều đối tượng cần nó nhất.

Nyland et al (2011) đã nghiên cứu phản ứng của nhà quản lý DN đối với các quy định bảo hiểm xã hội của nhà nước, kết quả nghiên cứu đã phát hiện ra ba đặc tính của DN có thể ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ, đó là: các yếu tố rủi ro, kiến thức của người lao động và hình thức sở hữu lao động. Bên cạnh đó, nghiên cứu dự đoán rằng, quy mô DN cũng có khả năng ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ.

Gao & Rickne (2014) đã điều tra số liệu thực tế về tình hình tham gia BHXH ở Trung Quốc trong giai đoạn 2004-2007. Kết quả cho thấy, có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực sở hữu DN trong việc tham gia BHXH. Cụ thể, DN nhà nước tuân thủ hơn so với các DN tư nhân và DN nước ngoài.

Tại Việt Nam, Nguyễn Quốc Doanh (2016) đã chỉ rõ thực trạng tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động ở Việt Nam còn nhiều bất cập, việc đăng ký tham gia các khoản bảo hiểm của các DN còn hạn chế, thậm chí trốn đóng, không đăng ký tham gia hoặc đăng ký tham gia không đủ số người thuộc diện theo quy định.

Tình trạng nợ đọng tiền các khoản trích theo lương xảy ra thường xuyên, thậm chí có nhiều DN lạm dụng quỹ BHXH, BHYT, BHTN và chiếm dụng tiền đóng của người lao động để sử dụng làm vốn sản xuất kinh doanh... do đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chế độ, chính sách anh sinh xã hội đối với người lao động. 

Các nhân tố tác động đến việc trích nộp các khoản theo lương cho người lao động

Dựa trên những nghiên cứu trước kết hợp với thực trạng tham gia các khoản bảo hiểm bắt buộc của các DN tại Việt Nam, tác giả đưa ra các nhân tố tác động đến ý thức chấp hành quy định về việc trích nộp các khoản theo lương cho người lao động bao gồm:

- Chính sách BHXH, BHYT, BHTN: Các quy định liên quan đến bảo hiểm hiện hành có tác động trực tiếp đến việc DN tuân thủ trích nộp các khoản theo lương cho người lao động. Hiện nay, hầu hết DN đều lựa chọn đóng bảo hiểm cho người lao động trên mức lương tối thiểu, hoặc sẽ lựa chọn mức lương đóng bảo hiểm thấp nhất nhằm giảm thiểu chi phí kinh doanh. Việc này sẽ làm cho quyền lợi của người lao động cũng như phúc lợi xã hội giảm đáng kể.

Do đó, chính sách bảo hiểm cần quan tâm đến mức lương tham gia bảo hiểm bắt buộc có phù hợp hay không. Mức độ tác động của chính sách bảo hiểm đối với hành vi tuân thủ việc nộp và đóng bảo hiểm có thể được đo lường: (i) Mức độ phù hợp của chính sách BHXH, BHYT, BHTN; (ii) Mức độ thường xuyên trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT, BHTN của các cơ quan BHXH; (iii) Mức lương bắt buộc để trích nộp theo quy định hiện hành.

- Thủ tục hành chính: Các thủ tục liên quan đến việc trích nộp bảo hiểm hàng tháng nếu quá rườm rà, phức tạp, khó hiểu sẽ gây khó khăn cho các DN trong việc theo dõi và nộp bảo hiểm cho người lao động. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc quá hạn nộp bảo hiểm cho cơ quan BHXH. Do đó, nhân tố Thủ tục hành chính cũng được đưa vào nghiên cứu để xem xét mức độ tác động của nó đến ý thức chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến việc trích nộp các khoản bảo hiểm cho người lao động.

- Hình thức sở hữu DN: Nghiên cứu của Gao và Rickne (2014) cho thấy, sự khác biệt trong vấn đề tuân thủ các quy định của Luật BHXH nhà nước giữa các DN thuộc sở hữu tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN có vốn đầu tư nhà nước. Vì vậy, nhân tố Hình thức sở hữu DN cũng không loại trừ khi đưa vào nghiên cứu tác động của nó việc trích nộp các khoản theo lương cho người lao động.

- Mức độ hiểu biết của người lao động: Nyland và các cộng sự (2011) cũng cho rằng, kiến thức của người lao động là một trong những đặc tính quan trọng ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ của nhà quản lý DN đến các quy định BHXH bắt buộc của nhà nước. Khi người lao động am hiểu về chế độ BHXH, họ sẽ yêu cầu DN thực hiện đúng nghĩa vụ (tức là các khoản trích nộp theo lương được đóng đầy đủ cho cơ quan BHXH) để bảo đảm quyền lợi cho mình.  

- Công tác thanh tra, kiểm tra: Việc kiểm tra, giám sát định kỳ quá trình tham gia bảo hiểm bắt buộc cho người lao động cũng tác động trực tiếp đến tiến độ DN nộp BHXH, bên cạnh đó công tác kiểm tra, thanh tra còn giải quyết được các vấn đề tồn nợ và đôn đốc DN sớm hoàn thành nghĩa vụ BHXH để tránh chịu lãi phạt do quá hạn. Công tác thanh tra, kiểm tra là trách nhiệm chính của các cơ quan BHXH, hiệu quả của nó phụ thuộc chủ yếu vào trình độ chuyên môn, kỹ năng tư vấn của cán bộ phụ trách thu BHXH.

- Chế tài: Các quy định của pháp luật, các biện pháp xử phạt đối với những DN cố tình sai phạm các quy định về việc trích đóng BHXH, BHYT và BHTN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức chấp hành của người sử dụng lao động.

Giải pháp nâng cao ý thức chấp hành các quy định Luật Bảo hiểm xã hội

Hiện nay, số nợ BHXH vẫn đang có xu hướng gia tăng, gây khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có biện pháp cưỡng chế phù hợp, dẫn đến ý thức tham gia đầy đủ BHXH của các DN chưa cao. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH.

Cũng dựa theo lý thuyết của Becker (1968), việc DN nhìn thấy được rủi ro bị phát hiện nếu vi phạm pháp luật lớn hơn lợi ích mà việc vi phạm đó mang lại, thì họ sẽ không vi phạm nữa. Như vậy, việc tăng nặng các chế tài đối với tội cố tình trốn BHXH là cần thiết, việc xử phạt phải thực hiện một cách triệt để răng đe cho các DN đang có ý định trốn tránh trách nhiệm xã hội liên quan đến việc đóng bảo hiểm cho người lao động.

Nhận thức của người lao động về quyền lợi lâu dài  của BHXH vẫn chưa cao. Nhiều tầng lớp lao động, đặc biệt là lao động phổ thông dường như vẫn chưa quan tâm và ý thức rõ các chế độ mà họ được hưởng khi được tham gia BHXH.

Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật, đối thoại trực tiếp với người lao động và người sử dụng lao động về các chế độ, chính sách của Nhà nước, phổ cập kiến thức liên quan đến quyền lợi của người lao động và nghĩa vụ của người sử dụng lao động là cần thiết. Cần có thêm các kênh thông tin để người lao động có thể tiếp cận, tự kiểm tra được quá trình tham gia BHXH. Như vậy, người lao động có thể tự đấu tranh và giành quyền lợi chính đáng cho bản thân.

Các trường hợp vi phạm cần phải xử lý nghiêm để có tính răn đe, nhưng việc áp dụng chế tài, xử phạt đúng mức, đúng tội vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, đa số các hành vi chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH đều xử lý ở mức phạt hành chính hoặc tính lãi trên thời gian chậm đóng bảo hiểm. Đa phần nguyên nhân được xác định là do DN đưa ra lý do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có hành vi cố tình gian lận.

Do đó, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ các cán bộ thanh tra trực thuộc các cơ quan BHXH thì cần thiết phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để điều tra đúng nguyên nhân và xử lý đúng tội, cần bổ sung thêm nhân sự tham gia vào quá trình điều tra nguyên nhân dẫn đến việc chậm đóng bảo hiểm, như tăng cường sự tham gia phối hợp của chính quyền địa phương, kiểm toán viên, bộ công an.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của nhà nước cũng phải chú trọng đến việc nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng tư vấn của các cán bộ tham gia vào quá trình tuyên truyền, kiểm tra, giám sát đối với công tác tham gia bảo hiểm bắt buộc tại các DN.

Tài liệu tham khảo:

1.Becker, Gary S., "Nobel Lecture: The Economic Way of Looking at Behavior," 101 Journal of Political Economy 385 (1993);

2.Andriette Hendrina Dekker (2008), Mind the gap: suggestions for bridging the divide between formal and informal social security. African Journal Vol. 12 No.1;

3.Chris Nyland, S.Bruce Thomsom & Cherrie J. Zhu. 2011, Employer attitudes towards social insurance compliance in Shanghai, China. International Social Security Review, Wiley Online Library;

4.Qin Gao, Johanna Rickne. 2014, Firm Ownership and Social Insurance Inequality in Transitional China: Evidence from a Large Panel of Firm-Level Data. European Journal of Social Security;

5.Website: http://bhxhtphcm.gov.vn/tintuc/chitiet/2029.