Nhân viên đại lý thuế được hành nghề khi nào?


Nội dung này được quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BTC ngày 26/1/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông tư số 10/2021/TT-BTC quy định, nhân viên đại lý thuế phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

Một là, là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài được phép cư trú và làm việc tại Việt Nam, không thuộc đối tượng không được làm nhân viên đại lý thuế quy định tại khoản 4 Điều 105 Luật Quản lý thuế.

Hai là, có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế do Tổng cục Thuế cấp.

Ba là, là người đại diện theo pháp luật của đại lý thuế hoặc có hợp đồng lao động làm việc tại đại lý thuế.

Bốn là, tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức theo quy định.

Theo Thông tư số 10/2021/TT-BTC, việc đăng ký hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế được thực hiện thông qua đại lý thuế nơi người đăng ký hành nghề là đại diện theo pháp luật của đại lý thuế hoặc có hợp đồng lao động làm việc.

Nhân viên đại lý thuế được hành nghề kể từ ngày được Cục Thuế thông báo đủ điều kiện hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Tại một thời điểm, người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế chỉ được hành nghề tại 01 đại lý thuế. Nhân viên đại lý thuế không được hành nghề trong thời gian bị đình chỉ hoặc bị chấm dứt hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Theo Thông tư số 10/2021/TT-BTC nêu rõ, người đại diện theo pháp luật của đại lý thuế chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kiểm tra thông tin, tài liệu mà người đăng ký hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế cung cấp; xác nhận các điều kiện trên đối với nhân viên đại lý thuế.

Đại lý thuế cung cấp thông tin nhân viên đại lý thuế cho Cục Thuế (nơi đại lý thuế đóng trụ sở) khi đăng ký cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế của đại lý thuế theo quy định hoặc khi thông báo thay đổi thông tin nhân viên đại lý thuế.