Nhập siêu 2,7 tỷ USD, nhưng chủ yếu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 7 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước đã nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 8,69 tỷ USD).
Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, vận tải và du lịch khi nhiều tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất nhập khẩu trên cả nước.
Ước tính trong tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng 6 và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 48,52 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỷ USD, tăng 29,9%, chiếm 73,8%.
Tính trong 7 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,6 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước; Tiếp đến là Trung Quốc đạt 28,7 tỷ USD, tăng 24,2%; thị trường EU đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,5%; thị trường ASEAN đạt 16,1 tỷ USD, tăng 25,9%; Hàn Quốc đạt 12 tỷ USD, tăng 10,3%; Nhật Bản đạt 11,7 tỷ USD, tăng 8,3%...
Xuất khẩu tăng, tuy nhiên tình hình nhập khẩu cũng tăng mạnh. Tính riêng trong tháng 7/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng 6 và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 188,03 tỷ USD, tăng tới 35,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,31 tỷ USD, tăng 29,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 121,72 tỷ USD, tăng 38,5%.
Trong 7 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước; Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc đạt 29,7 tỷ USD, tăng 19,9%; Thị trường ASEAN đạt 24,7 tỷ USD, tăng 48,2%; Nhật Bản đạt 12,6 tỷ USD, tăng 13,8%; Thị trường EU đạt 9,7 tỷ USD, tăng 19,6%; Hoa Kỳ đạt 8,9 tỷ USD, tăng 10,4%...
Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, cả nước đã nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,1 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thống kê, con số nhập siêu đang có dấu hiệu tăng theo từng tháng; cụ thể, tháng 4 đã nhập siêu 1,23 tỷ USD, tháng 5 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD, tháng 6 nhập siêu 455 triệu USD, tháng 7 ước tính nhập siêu 1,7 tỷ USD.
Theo phân tích của các chuyên gia, nếu so sánh tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu, có thể thấy trong những tháng căng thẳng của đại dịch, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất. Cụ thể, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 176,36 tỉ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 84,35 tỉ USD, tăng 30%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 92,01 tỉ USD, tăng 41,5%. Trong khi đó, nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 11,67 tỉ USD, tăng 28,5%. Vì vậy, vấn đề nhập siêu trong 7 tháng đầu năm 2021 không đáng lo ngại.