Nhật Bản vượt Trung Quốc trong lĩnh vực cho vay quốc tế
Báo Wall Street Journal số ra ngày 22/4 đưa tin Nhật Bản vượt Trung Quốc trong lĩnh vực cho vay quốc tế, bất chấp các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng vị thế trên thị trường tài chính thế giới.
Báo Wall Street Journal (WSJ) số ra ngày 22/4 đưa tin Nhật Bản vượt Trung Quốc trong lĩnh vực cho vay quốc tế, bất chấp các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng vị thế trên thị trường tài chính thế giới.
WSJ dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy từ cuối năm 2016, thời điểm cả Nhật Bản và Trung Quốc sở hữu tài sản ngoài nước ở mức độ tương đồng, đầu tư ngoài nước của Nhật Bản đã vượt Trung Quốc khoảng vài chục tỷ USD.
WSJ nhận định Nhật Bản đã đạt được những thành công dù còn khiêm tốn trong kế hoạch mở rộng cho vay quốc tế.
Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB), một định chế tài chính do Trung Quốc sáng lập là đối thủ cạnh tranh của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật và Mỹ chi phối, vẫn hoạt động khá cầm chừng.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, AIIB mới chỉ cho vay được 6,4 tỷ USD tính tới tháng 9/2018. Trong khi đó con số mà ADB cho vay trong riêng năm 2018 là 35,8 tỷ USD, tăng 40% so với 2 năm trước đó.
Dù Trung Quốc đặt mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, phần lớn các khoản vay Trung Quốc cho đến nay vẫn dựa trên đồng USD.
Trong lĩnh vực mở rộng tầm ảnh hưởng cho đơn vị tiền tệ của mình, Nhật Bản cũng quảng bá khá tốt cho đồng yen ở thị trường ngoài nước.
Hiện đồng yen là tiền tệ phổ biến thứ ba trong các giao dịch quốc tế, chiếm 4,35% thị phần giao dịch toàn cầu tính ở thời điểm tháng Hai vừa qua trong khi thị phần đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, hiện chiếm 1,15% các giao dịch quốc tế và con số này hầu như không tăng trong vài năm qua.
Những giao dịch quốc tế sử dụng đồng nhân dân tệ đều phát sinh chủ yếu ở Hong Kong.
Thậm chí ngay cả trong lĩnh vực Trung Quốc đạt được nhiều thành công là việc tăng cổ phần của mình trong cơ quan dự trữ ngoại hối của các nước thì Nhật Bản cũng vẫn vượt Trung Quốc.
Từ cuối năm 2016, đồng nhân dân tệ chiếm 1,07% dự trữ ngoại hối toàn cầu và sau đó tăng lên 1,89%. Trong khi đó, cùng kỳ, đồng yen chiếm 3,96% và sau đó tăng lên 5,2%, mức dự trữ ngoại hối trong cơ quan dự trữ ngoại hối các nước, mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.
Rất có thể sẽ đến một ngày Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành ngân hàng cho vay quốc tế hàng đầu châu Á và đồng nhân dân tệ có thể có vị thế cao hơn trong hệ thống tài chính toàn cầu, nhưng tính đến thời điểm hiện tại thì những tham vọng có vị thế lớn về tài chính trên trường quốc tế của Trung Quốc vẫn còn khá xa vời.