Nhất thể hóa kinh tế châu Á - Thái Bình Dương: Đường dài gian khó

Theo daibieunhandandan.vn

Xu hướng hội nhập thế giới cùng vai trò ngày càng được khẳng định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bản đồ kinh tế toàn cầu đặt ra nhu cầu đẩy nhanh tiến trình nhất thể hóa các nền kinh tế khu vực.

Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực có nhiều FTA đang được thúc đẩy và quan trọng là giữa các hiệp định này không tồn tại xung đột lợi ích. Nguồn: daibieunhandan.vn
Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực có nhiều FTA đang được thúc đẩy và quan trọng là giữa các hiệp định này không tồn tại xung đột lợi ích. Nguồn: daibieunhandan.vn

Trước thềm Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23, sẽ khai mạc hôm nay, 18/11, tại Philippines, Ban Thư ký APEC đánh giá tiến trình đã có những tiến triển tốt đẹp, nhưng tương lai vẫn còn nhiều thách thức.

Điểm sáng

Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động nhất thế giới, đứng đầu về tốc độ tăng trưởng và dự kiến sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt này trong trung hạn.

Theo giới chuyên gia, Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được thúc đẩy và quan trọng là giữa các hiệp định này không tồn tại xung đột lợi ích. Đây là công cụ đắc lực trong thúc đẩy nhất thể hóa khu vực.

Cắt giảm thuế trong lĩnh vực chế tạo đã thu được tiến bộ to lớn, cửa khẩu biên giới đã có nhiều biện pháp tạo điều kiện hơn cho thương mại. Mặc dù tăng trưởng ngành chế tạo của Trung Quốc và các nền kinh tế khác không bằng trước đây, nhưng ngành dịch vụ của họ lại phát triển, nhu cầu tiêu dùng trong nước mở rộng.

Bên cạnh đó, các nước chú trọng mục tiêu tăng trưởng thương mại hàng hóa nhiều hơn. Đó cũng là lý do vì sao Trung Quốc nhấn mạnh nâng cao kết nối khu vực, tích cực thúc đẩy và đưa ra “Kế hoạch tổng thể kết nối APEC giai đoạn 2015 - 2025”. Ngoài ra, kinh tế internet cũng mang lại động lực mới cho thương mại trong khu vực.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo giới chuyên gia, tiến trình nhất thể hóa kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương còn phải vượt qua một chặng đường dài.

Trước hết, để bảo đảm các FTA tương thích lẫn nhau, tất cả các FTA đều phải tương thích với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và duy trì tính minh bạch. Có như vậy, APEC mới có thể phát huy hai vai trò: tái tổ hợp tất cả vành đai kinh tế, bảo đảm các vành đai kinh tế đó phát triển đúng hướng; trở thành nơi để các nền kinh tế thử nghiệm và thực tiễn sáng kiến của mình.

Hiện nay, APEC đang tiến hành thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin với các hiệp định thương mại đang đàm phán, từ đó thu thập và so sánh thông tin các FTA để bảo đảm không có xung đột giữa các hiệp định.

Một thách thức khác là những năm qua, dòng chảy thương mại thế giới chậm lại, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm. Để tiến trình nhất thể hóa kinh tế tại Châu Á - Thái Bình Dương thực sự tiến triển, các nước cần tìm hiểu tác động đối với kinh tế thế giới, đặc biệt các FTA trong điều kiện kinh tế toàn cầu mới.

Mặc dù Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực kinh tế đầu tàu của thế giới, nhưng các nền kinh tế thành viên lại tăng trưởng không đồng đều. Kinh tế Trung Quốc, Mông Cổ, Malaysia đang tăng trưởng chậm lại so với cách đây vài năm, trong khi một số nền kinh tế khác đang tăng trưởng khá dần lên, như Việt Nam.

Tiến trình nhất thể hóa kinh tế tại khu vực cũng vấp phải rào cản thiếu hụt cơ sở hạ tầng và sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu hàng hóa của một số nước.

Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, mặc dù là khu vực có nền kinh tế tăng trưởng năng động, nhưng Châu Á - Thái Bình Dương cũng chứa đựng nhiều rủi ro và dễ bị tổn thương, thể hiện qua nhiều yếu tố như rủi ro về lạm phát hay rủi ro từ vay nợ bằng đồng ngoại tệ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo, do mức độ rủi ro và dễ bị tổn thương tăng lên, các nhà hoạch định chính sách cần tỉnh táo để đưa ra các chính sách phù hợp.

Chính sách tài khóa và tiền tệ của khu vực nhìn chung phù hợp, nhưng có một số nước cần tinh chỉnh thêm, một số nước đang nới lỏng quá thì cần thắt chặt lại, còn các nước đang chặt quá thì cần nới lỏng một chút. Thực tế này đặt ra nhu cầu về những chính sách phát triển kinh tế rõ ràng, đồng bộ và chủ động giữa các nước.

Cũng không thể bỏ qua một thách thức lớn khác đó là tình trạng nhiều nước trong khu vực quá phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, tác động của biến đổi khí hậu, những yếu kém hạn chế về cơ sở hạ tầng và thiếu hụt lao động có tay nghề.

Thêm vào đó, các nền kinh tế tại Châu Á - Thái Bình Dương cần phải đạt tiến bộ hơn trong việc bảo đảm bình đẳng thu nhập, bình đẳng giới và bình đẳng về cơ hội.

Chặng đường của tiến trình nhất thể hóa kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn nhiều ổ gà phía trước đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa của mỗi nền kinh tế thành viên.