TPP sẽ thúc đẩy kinh tế châu Á – Thái Bình Dương

Theo thoibaonganhang.vn

Sau hơn 5 năm đàm phán và 6 ngày bàn luận nước rút, 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận về hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới sáng 5/10/2015 tại hội nghị bộ trưởng ở thành phố Atlanta, Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiệp định tiêu chuẩn cao

TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại. Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do chiếm tới 40% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.

Trước đó, 12 nước thành viên đã cùng nhau tháo gỡ ba nút thắt chính còn lại trên con đường dẫn tới thỏa thuận lịch sử này, bao gồm vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện phụ tùng ô tô nhập vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới. Sau khi ký TPP, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và Quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh việc hoàn tất hiệp định, qua đó thiết lập khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Theo Tổng thống Obama, hiệp định này sẽ cho phép Mỹ "xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm đóng mác “Made in America” ra khắp thế giới". Nhân dân Mỹ sẽ có nhiều tháng để đọc nội dung TPP trước khi hiệp định được ký thành luật.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), TPP sẽ xóa bỏ và cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đánh vào một loạt các mặt hàng và dịch vụ, giải quyết các vấn đề như sự phát triển của kinh tế kỹ thuật số và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu.

Việc hoàn tất đàm phán TPP, với các tiêu chuẩn cao hơn đối với thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được xem "như một bước tiến quan trọng hướng đến mục tiêu mở cửa thương mại và hội nhập sâu rộng".

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng nước này đã đạt được những kết quả có thể nhất trong đàm phán TPP, chính phủ sẽ thành lập một nhóm có nhiệm vụ đẩy lùi những tác động tiêu cực từ việc tự do hóa thị trường hơn nữa, nhất là trong nông nghiệp. Ông Abe hoan nghênh thỏa thuận lịch sử nói trên, nói rằng TPP sẽ tạo ra một hệ thống kinh tế quốc tế tự do, công bằng và dựa trên các quy định.

Trong khi các quan chức Australia nói rằng, TPP sẽ mở ra những cơ hội giao thương lớn, giúp giữ vững nền kinh tế, đem đến những lợi ích cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp lớn hơn những gì mà các hiệp định tự do thương mại song phương mang lại. TPP sẽ giúp hoạt động kinh doanh trong khu vực trở nên dễ dàng hơn, cho phép các nhà xuất, nhập khẩu giao dịch tự do và được miễn thuế, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển ra bên ngoài Australia.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước - bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước đã nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.

Lợi ích từ TPP

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định Hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, thể hiện trên các mặt như sau: Về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.

Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú huých” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này.

Ngoài ra, tham gia TPP sẽ giúp đất nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Thêm vào đó, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Về mặt thể chế, cũng như tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, tham gia TPP sẽ là cơ hội để nước ta tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường, một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định; hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao, thí dụ như sản xuất dược phẩm, trong đó có thuốc sinh học (đặc biệt là với vắcxin và một số sản phẩm ta có bước phát triển mạnh trong các năm qua).

Thêm vào đó, Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Về mặt xã hội, tham gia TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp ta có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Do nhập khẩu từ Hoa Kỳ và các nước TPP chưa có FTA với ta phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên nếu có một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia TPP.

Đặc biệt, do Hiệp định TPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, tham gia TPP cũng đặt ra một số thách thức nhất định đối với Việt Nam.

Về kinh tế, thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Mặc dù Việt Nam có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp nhưng sức cạnh tranh của chúng ta trong một số ngành nghề chưa thực sự tốt, ví dụ như chăn nuôi. Dự kiến đây sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực.

Đối với các ngành kinh tế khác, cạnh tranh cũng có thể xảy ra nhưng ở mức độ không lớn bởi vì các nền kinh tế TPP hiện nay có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung hơn là mang tính cạnh tranh với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Về mặt xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản), kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, do phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với ta, nên ngoại trừ một số ít ngành nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.