Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Nhất trí cần ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Thanh Hóa
Ngày 16/9, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Tại phiên họp, đa số các ý kiến đồng tình với các nội dung dự thảo trình và hiệu lực áp dụng từ ngày 01/01/2022.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.
Dự thảo Nghị quyết tập trung thể chế hóa các quan điểm như: phù hợp với Nghị quyết số 58-NQ/TW; quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền tỉnh Thanh Hóa, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND; các cơ chế, chính sách đặc thù phải bảo đảm tính tương đồng với các chính sách của một số thành phố lớn khác trong cả nước.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất quy định Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban này cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Ông Nguyễn Phú Cường cũng nhấn mạnh, tại Nghị quyết số 58-NQ/TW đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hoá là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước...
Để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, đa số ý thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo thuận lợi cho Thanh Hóa trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính “đột phá” về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Dự thảo Nghị quyết cần quán triệt thêm một số nguyên tắc, quan điểm như: phải bảo đảm phù hợp với thực lực, khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; phù hợp với thực tiễn, mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm hài hòa với các địa phương khác có cùng đặc điểm và địa phương được hưởng cơ chế đặc thù...
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, cơ chế đặc thù phải gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, chủ động, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, làm tiền đề để giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển; quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm cụ thể, nhất là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong quản lý, sử dụng nguồn lực từ cơ chế đặc thù.
Theo Uỷ ban Tài chính Ngân sách, việc đề xuất điều chỉnh mức dư nợ vay lên tới 60% là quá cao, cần tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết, phù hợp với khả năng trả nợ của một địa phương hiện vẫn đang nhận trợ cấp của Trung ương...