Nhất trí cao Dự thảo Nghị định về sử dụng ngân sách nhà nước với hoạt động đối ngoại

PV.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, sáng ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực đối ngoại là cần thiết. Nguồn: internet
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực đối ngoại là cần thiết. Nguồn: internet
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực đối ngoại là cần thiết nhằm triển khai hiệu quả, kịp thời hoạt động đối ngoại, góp phần tháo gỡ những tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách áp dụng trong lĩnh vực đối ngoại.

Theo đó, Dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 4 chương với 19 điều, quy định về nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại; lập dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Thảo luận tại phiên họp, hầu hết các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với dự thảo Nghị định và cho rằng Nghị định này nên tập trung tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan đại diện ở nước ngoài cũng như chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức của Việt Nam ở nước ngoài.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Dự thảo Nghị định có đề xuất để lại một phần tiền phí thực thu trong lĩnh vực ngoại giao để bù đắp chi phí hoạt động cho các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và chi bổ sung cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...

Cụ thể, tại Điều 17 Dự thảo Nghị định nêu rõ: "Số tiền phí trong lĩnh vực ngoại giao thực thu được để lại một phần để bù đắp chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, phục vụ công tác thu phí theo quy định; hỗ trợ sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, đổi mới thiết bị, hiện đại hóa công nghệ thông tin, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và ngoại ngữ và một phần để chi hỗ trợ đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc ngành."

Theo Bộ trưởng, đề xuất này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành có thêm nguồn kinh phí, chủ động hơn trong nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại nhà nước ngày càng cao, trong điều kiện bố trí ngân sách nhà nước còn khó khăn.
Các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp đều bày tỏ sự thống nhất cao với đề nghị trên của Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, các cơ quan đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài hiện nay còn đơn sơ, cán bộ làm việc ở các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và người thân cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Bởi vậy, "việc để lại một phần phí thu được trong lĩnh vực ngoại giao để cơ quan đại diện ngoại giao thực hiện nhiệm vụ và cải thiện đời sống cho cán bộ làm việc ở các cơ quan này là rất cần thiết." - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Nhất trí với đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ, đảm bảo đời sống cho những người công tác tại cơ quan đại diện ở nước ngoài để cán bộ ngoại giao yên tâm công tác.

Phát biểu kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ tại Dự thảo Nghị định; đồng thời giao Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội hoàn thiện một thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị định, gửi Chính phủ để Chính phủ chính thức ban hành Nghị định này.