Nhiều áp lực tăng giá tháng 5

Theo baohaiquan.vn

Tháng 5 trùng với kỳ nghỉ lễ kéo dài và dự kiến giá thế giới của một số nhiên liệu, chất đốt như xăng dầu, LPG (gas)... đang có xu hướng hồi phục trở lại sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá tháng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2016 tăng 0,33% so với tháng 3-2016. Mức tăng này tuy thấp hơn mức tăng CPI tháng 2/2016 (0,42%) và tháng 3/2016 (0,57%) nhưng vẫn là mức tăng cao so với các tháng cuối năm 2015; đồng thời là tháng 4 có chỉ số giá tăng cao nhất trong bốn năm trở lại đây.

Những con số ấy cho thấy mặt bằng giá đang tăng trở lại. Trong tháng 5, theo dự báo mới đây của Cục Quản lý giá, một số yếu tố dự báo có thể gây áp lực lên mặt bằng giá đó là: Thời tiết tiếp tục chuyển sang mùa nóng, kỳ nghỉ lễ dài 30/4 đến 1/5 khiến nhu cầu đối với một số hàng hoá, dịch vụ như đồ uống, may mặc và giầy dép, thiết bị đồ dùng gia đình, điện, nước sạch sinh hoạt, dịch vụ du lịch, dịch vụ giao thông công cộng, thực phẩm tươi sống...

Ngoài ra, do bị ảnh hưởng kéo dài từ thời tiết khô hạn và tình hình xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể gây tác động về tâm lý đến giá thóc gạo trong nước. Giá một số thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt gia cầm có thể tăng do tâm lý người dân lo ngại về độ an toàn của mặt hàng thủy hải sản trước hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực biển miền Trung.

Đáng ngại hơn, giá thế giới một số nhiên liệu, chất đốt như xăng dầu, LPG... đang có xu hướng hồi phục trở lại cũng gây áp lực tăng giá lên các mặt hàng này tại thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, trong nước, cân đối cung - cầu của đa số các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu trên thị trường tiếp tục được giữ vững; việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá của các Bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong tháng.

Dự báo giá một số mặt hàng ổn định hoặc giảm nhẹ. Một mặt hàng quan trọng đó là lúa gạo, được dự báo giá tại các tỉnh phía Bắc tương đối ổn định, phía Nam giảm nhẹ.

Mặc dù, hạn hán, xâm nhập mặn đã làm 180.000 ha lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiệt hại nhưng bù lại, diện tích lúa vụ Thu Đông tới ở khu vực này sẽ tăng thêm 200.000 ha nên cả nước sẽ không lo thiếu gạo xuất khẩu. Hiện nay, các huyện ở vùng Tứ giác Long Xuyên như Hòn Đất, Hà Tiên, Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đang tranh thủ tháo dỡ các đập tạm trước đó để xả mặn, làm đất.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dù hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại lớn đến diện tích lúa đông xuân ở ĐBSCL nhưng nếu các địa phương thực hiện đúng kế hoạch của Bộ NN-PTNT thì tổng sản lượng lúa sẽ không thấp hơn nhiều so với các năm trước. Doanh nghiệp cũng không lo thiếu gạo để xuất khẩu. Dự báo trong thời gian tới, nguồn cung gạo thế giới tiếp tục tăng trong khi một số nước đang tạm hoãn kế hoạch nhập khẩu như Indonesia, Philippin nên giá gạo thế giới có khá năng ổn định.

Vừa qua, những biến động cá chết ở một số tỉnh miền Trung khiến dư luận lo lắng nguồn cung của thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, theo dự báo của Cục Quản lý giá, trong thời gian tới, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống ổn định do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào. Được biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 4/2016 giảm 0,27% do giá một số mặt hàng giảm trong kỳ tính chỉ số giá.

Cùng đà ổn định giá có mặt hàng thức ăn chăn nuôi, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và giá xi măng.

Tuy nhiên, giá đường, phân bón, giá thép bán lẻ dự kiến sẽ có thể tăng nhẹ. Đáng chú ý, do nguồn cung LPG trên thế giới hiện ổn định và theo diễn biến của giá dầu thế giới nên dự kiến giá LPG thị trường thế giới và trong nước tăng nhẹ, bởi dự báo giá xăng, dầu thành phẩm thế giới tháng 5/2016 tiếp tục biến động phức tạp, có nhiều khả năng tăng giá so với hiện nay.

841 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vào diện bình ổn giá

Giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tháng 4/2016 ổn định so với tháng 3/2016. Trong tháng 4/2016, có 10 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi mới đã được công bố giá tối đa và giá kê khai. Tính từ 1/6/2014 đến 25/4/2016, đã có 841 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương. Giá các sản phẩm được công bố đều giữ ổn định trong thời gian qua.

Trên thị trường thế giới, giá sữa tháng 4-2016 tiếp tục giảm so với tháng trước đó. Tại thị trường Châu Úc, giá sữa bột gầy (FOB) ở mức 1.675-1.800 USD/tấn, giảm khoảng 25 USD/tấn; Giá sữa nguyên kem 1.925-2.200 USD/tấn, tăng khoảng 25 USD/tấn. Tại thị trường Tây Âu, giá sữa bột gầy (FOB) 1.650-1.775 USD/tấn, giảm khoảng 25 USD/tấn; giá sữa nguyên kem (FOB) ở mức 1.975-2.200 USD/tấn, giảm khoảng 25 USD/tấn.