Nhiều biện pháp quyết liệt trong thu nợ bảo hiểm xã hội
Liên quan đến việc giải quyết quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, thẩm định Dự thảo Nghị định quy định quản lý thu nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với nhiều nội dung đáng chú ý.
Còn nhiều doanh nghiệp cố tình né tránh, chây ỳ nợ
Tình trạng nợ đọng BHXH diễn ra trên cả nước nhưng TP. Hồ Chí Minh là địa phương tiêu biểu nhất. Theo đại diện lãnh đạo BHXH TP. Hồ Chí Minh, năm 2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN tại TP. Hồ Chí Minh là gần 1.971 tỷ đồng, con số này đã giảm 14,1% so với năm 2016 là do bên cạnh tác động của Bộ luật Hình sự, BHXH Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp xử lý nợ tích cực.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp (DN) nợ dưới 3 tháng, BHXH trực tiếp đôn đốc, đối chiếu thu nợ; gửi thư thông báo công nợ đến giám đốc đơn vị, DN và cảnh báo mức lãi phạt chậm nộp theo quy định.
Tính đến ngày 31/12/2017, BHXH Thành phố đã chuyển thông báo nhắc nợ đến 17.728 đơn vị, DN với số tiền nợ là 1.618 tỷ đồng, trong đó có 10.847 đơn vị, DN khắc phục nợ với 952 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 85,82%). Đối với DN nợ từ 3 tháng trở lên, BHXH Thành phố lập danh sách chuyển cho Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; trên cơ sở đó, Thanh tra Sở gửi văn bản nhắc nhở, đồng thời tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm.
Thống kê từ cơ quan BHXH TP. Hồ Chí Minh, đến tháng 2/2018, có 10 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với thời gian từ 6 tháng trở lên, tiền nợ từ 7 đến hơn 27 tỷ đồng. Mới đây, BHXH TP. Hồ Chí Minh cũng đã hoàn tất chuyển hồ sơ vụ việc trốn đóng BHXH, BHYT của Công ty TNHH Nam Phương sang cơ quan Công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị điều tra, xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự.
Theo lãnh đạo BHXH TP. Hồ Chí Minh, năm 2018, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính đối với DN đơn vị vi phạm, BHXH Thành phố sẽ chuyển hồ sơ những DN cố tình chây ỳ khắc phục nợ BHXH sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự.
Quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp quản lý thu nợ
Năm 2017, ngành BHXH đã thực hiện trên 4.000 cuộc thanh tra tại các DN, đơn vị nợ bảo hiểm kéo dài, thế nhưng, điều đáng nói là sau khi ra quyết định xử phạt, chỉ có hơn 40% DN đồng ý khắc phục. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 8.000 DN “mất tích”, nợ BHXH khoảng 2.000 tỷ đồng. BHXH Việt Nam nhìn nhận số nợ này rất khó, thậm chí không có khả năng thu hồi.
Việc xử lý nợ BHXH tại DN có chủ bỏ trốn hoặc DN giải thể, phá sản, DN chấm dứt hoạt động nhưng sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, quy định giải quyết quyền lợi về BHXH cho người lao động trong các đơn vị, DN này vẫn chưa có. Trong khi đó, việc khởi kiện DN nợ BHXH của tổ chức công đoàn lại gặp bế tắc.
Liên quan đến việc giải quyết quyền lợi của người lao động tại các DN nợ BHXH, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, thẩm định Dự thảo Nghị định quy định quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. Một trong những quy định đáng chú ý của Dự thảo Nghị định về nguồn kinh phí xử lý nợ và bảo đảm quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Dự thảo Nghị định cũng phân loại các hình thức nợ BHXH, BHYT, BHTN gồm: Nợ chậm đóng (dưới 1 tháng), nợ đọng (từ 1 đến dưới 3 tháng), nợ kéo dài (từ 3 tháng trở lên), nợ khó thu (DN mất tích; DN đang trong thời gian làm thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; DN không hoạt động, không người quản lý, điều hành; DN có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; DN đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật...).
Trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị phạt với mức 12%-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN; chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN; chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN.