Nhiều chính sách thuế liên quan đến người dân đã được ban hành sớm
Theo ông Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, rất nhiều chính sách thuế liên quan quyền lợi của người dân đã được Chính phủ, Quốc hội đề xuất, ban hành sớm; điển hình như chính sách thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt...
Xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2025 là đúng lộ trình
Giải đáp các câu hỏi của phóng viên liên quan đến thời gian sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV ngày 29/11, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, các nội dung đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được tính toán cân nhắc từ đầu nhiệm kỳ. Việc Luật Thuế thu nhập cá nhân được xếp vào chương trình năm 2025 xem xét là đúng lộ trình.
Trước ý kiến của phóng viên cho rằng, việc sửa các chính sách liên quan quyền lợi người dân chậm, ông Lâm khẳng định, nhận định này không xác đáng. Theo ông Lâm, rất nhiều chính sách thuế liên quan quyền lợi của người dân đã được Chính phủ, Quốc hội đề xuất, ban hành sớm.
Điển hình như việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% vừa được Quốc hội thông qua hay chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt... Đây đều là những chính sách thuế liên quan tới lợi ích của người dân, người tiêu dùng.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm nhấn mạnh, các nội dung chỉnh sửa, hoàn thiện pháp luật về thuế rất nhiều, không thể hoàn thiện tất cả trong 1 năm. Do đó, cần phân bố hợp lý các dự án luật để đủ thời gian thực hiện, đảm bảo hiệu quả. Chưa kể, mỗi dự án luật đều phải tuân theo trình tự, quy trình làm luật chặt chẽ.
Cần thêm thời gian nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai
Liên quan đến nội dung định giá đất được phóng viên nêu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm cho hay, Luật Đất đai hiện nay cần có thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các vấn đề hiện nay chưa thống nhất. Hiện vẫn còn 6 vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn phương án tối ưu, trong đó có định giá đất.
Theo ông Lâm, đây là nội dung rất phức tạp, dự án Luật hiện nay đang đưa ra nhiều phương pháp, mỗi phương pháp chỉ phù hợp trong mỗi hoàn cảnh, trường hợp nhất định.
"Trường hợp nào, điều kiện nào thì áp dụng phương pháp nào, do đó cần tiếp tục nghiên cứu và thảo luận để đưa ra lựa chọn cuối cùng trên cơ sở vừa giải quyết được vướng mắc hiện nay nhưng cũng phù hợp thực tiễn lâu dài" ông Lâm nêu.
Cũng trao đổi về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho hay, ngoài vấn đề đã thống nhất các phương án chỉnh sửa, vẫn còn tồn tại một số nội dung lớn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Cụ thể như việc thực hiện nhà ở thương mại, dự án hỗ hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận quyền sử dụng thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội mà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; vấn đề quản lý khai thác quỹ đất; các trường hợp áp dụng phương pháp định giá đất cũng như sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp kinh tế; trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản...
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết thêm, việc chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thể hiện tinh thần cẩn trọng, trách nhiệm của Quốc hội, vì trong quá trình thảo luận còn ý kiến khác nhau, cần có thời gian xem xét kỹ lưỡng.
Theo Tổng Thư ký, cần đánh giá kỹ tác động để luật khi ban hành đáp ứng yêu cầu cuộc sống, bền vững, không xung đột, mâu thuẫn chồng chéo với các luật khác. Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cũng cho biết, có thể đề xuất Quốc hội có kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024 để cho ý kiến về các vấn đề cần thiết, cấp bách.
"Chính phủ đề xuất những vấn đề cần thiết Quốc hội thấy cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì Quốc hội sẽ xem xét quyết định", Tổng Thư ký nhấn mạnh.