Nhiều chính sách về kinh tế số chưa được thể chế hóa
Bốn năm triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia Cách mạng 4.0, nhiều chính sách chưa được thể chế hóa - theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Sáng 11/1, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 (lần thứ 16) với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, Chính phủ đã tổ chức hội nghị tổng kết 2023 và triển khai hoạt động 2024. Kết quả cho thấy, GDP năm 2023 tăng 5,05%, lạm phát 3,25% - thấp hơn mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP thời gian qua của nước ta chủ yếu là đóng góp của đầu tư công, đầu tư tư nhân còn chỉ đạt 2,7% - đây là mức thấp so với giai đoạn từ 2019 - 2023.
Từ câu chuyện này, vấn đề đầu tiên cần bàn thảo tại Diễn đàn, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, là trong thời gian tới chúng ta cần động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư là vô cùng quan trọng. Chính sách sẽ là gì?
Vấn đề tiếp theo là những có chế chính sách nào để vực dậy lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo quan trọng của Việt Nam. Đặc điểm của tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và xuất khẩu đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Ngành dịch vụ đóng góp khá vào tăng trưởng kinh tế năm 2023, đạt mức tăng 6,82% - đóng góp lớn vào giá trị tăng thêm của GDP.
Trong đó tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế - gấp 3 đến 4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Tuy vậy, số lượng này mới chỉ bằng 70% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
"Lúc này, câu hỏi đặt ra là cần cơ chế chính sách gì để tăng giá trị thực sự của ngành dịch vụ, cũng như thúc đẩy các ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế kể cả một số lĩnh vực chúng ta đang có chính sách phục hồi nhưng còn khó khăn, như bất động sản…"
Đáng chú ý, theo ông Hiển, năm 2023 kinh tế số, chuyển đối số đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, quốc tế đánh giá tốc độ tăng của Việt Nam đạt 19% - cao nhất khu vực. Đóng góp của kinh tế số vào GDP cũng tăng, 16,5%.
“Trong triển khai cũng đạt nhiều vấn đề tốt, nhưng cần xem xét việc thúc đẩy, dịch chuyển chuyển đổi số trong sản xuất thông minh trong lĩnh vực công nghiệp thực chất là gì? Nếu tăng trưởng của kinh tế số vẫn dựa chính chủ yếu là đóng góp giá trị gia tăng từ xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử và mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam không nhiều, thì chúng ta vẫn là gia công”.
Cũng theo ông Hiển, tăng trưởng của thương mại điện tử nhưng quan trọng là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thúc đẩy chuyển đổi số.
“Bốn năm triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, rất nhiều chính sách chưa được thể chế hóa, như triển khai các sandbox vẫn còn vướng. Nếu triển khai các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát vẫn dừng lại ở các nghị định không đầu thì sẽ bế tắc trong thời gian tới”, ông Hiển nói.
Trong phiên thảo luận, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam bên cạnh các chính sách phục hồi kinh tế tư nhân, cần tiếp tục chú trọng tới việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong thời gian tới.
“Tôi tin rằng tương lai của Việt Nam là chuyển đổi số và xanh. Và để đi đến tương lai đó, các bạn cần có những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp. Một điều quan trọng nữa là người dân, lớp trẻ và các thế hệ lao động cũng phải có các kiến thức cần thiết về xu hướng này”, bà Madani nói.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2024 được cấu trúc thành 3 phiên. Phiên tham luận gồm 3 báo cáo chính của chuyên gia kinh tế quốc tế và Việt Nam về chủ đề: Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024. Hai phiên thảo luận tập trung vào chủ đề: Kinh tế Việt Nam năm 2023 – 2024 nhìn từ động lực tăng trưởng mới; và Các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong giai đoạn mới.