Kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam


Tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2023 tiếp tục tăng 19%, cao nhất khu vực Đông Nam Á, cao hơn gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế số
Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế số

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 16,5%

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2023 tiếp tục tăng 19%, cao nhất khu vực Đông Nam Á, cao hơn gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Năm 2023 cũng là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng tưởng cao nhất trong khu vực (theo Báo cáo thường niên kinh tế số của Google, Temasek, Bain & Company). Bên cạnh đó, tăng trưởng về thương mại điện tử và đột phá về thanh toán số: Các giao dịch thanh toán trên môi trường mạng tăng 66% về tổng số giao dịch và tăng 4% về giá trị giao dịch.

Có 64 ứng dụng, nền tảng số Việt Nam có số lượng tài khoản người dùng thường xuyên hàng tháng trên 01 triệu với tổng số tài khoản người dùng là 376,7 triệu, trong đó 43 ứng dụng có từ 01 đến dưới 05 triệu tài khoản người dùng hằng tháng, 14 ứng dụng có từ 5 đến dưới 10 triệu tài khoản người dùng và 7 ứng dụng có trên 10 triệu tài khoản hoạt động hằng tháng.

Việt Nam trong Top 6 các quốc gia có nền tảng số bản địa có số lượng người dùng hàng tháng (MAU) trên thị trường trong nước lớn nhất (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản).

Thời gian sử dụng trung bình nền tảng số Việt Nam vào khoảng 2,4 giờ/ngày. 03 ứng dụng của cơ quan nhà nước thu hút được số lượng người dùng lớn ở Việt Nam là VneID của Bộ Công an, VssID của Bảo hiểm Xã hội và Thanh niên Việt Nam của Trung ương Đoàn, với tổng người dùng của cả 3 ứng dụng vào khoảng 65 triệu.

Số lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx (hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số) ước đạt 1.072.000 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx ước đạt 197.000 doanh nghiệp (tăng 2,5 lần so với năm 2022). Ngoài ra, tổng số lượt tải ứng dụng trên thiết bị di động ước đạt 3,49 tỷ lượt.

Mục tiêu tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 40 tỷ USD

Trong lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên đến năm 2023.

Đồng thời, đã ban hành các Quyết định về tiêu chí, quy định công nhận cá nhân, tổ chức tư vấn thuộc Mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; Quyết định về Khung tiêu chí, thành lập Hội đồng và quy trình xác định thí điểm nền tảng số phục vụ người dân năm 2023; Quyết định về Khung tiêu chí và quy trình xác định nền tảng số tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chuyển đổi số;

Quyết định ban hành Khung tiêu chí, quy trình đánh giá, công nhận nền tảng số quốc gia; Quyết định về việc xét duyệt nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia để đăng ký các nền tảng số trong các ngành, lĩnh vực; Quyết định sửa đổi, bổ sung Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tại Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/2/2022.

Bên cạnh đó, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc cấp, quản lý chữ ký số công cộng bảo đảm tiện lợi cho tổ chức, cá nhân trong ký các giấy tờ, tài liệu khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2022 trên 02 trụ cột: Kinh tế số và Xã hội số.

Mặt khác, bổ sung chế tài xử lý, đình chỉ, ngăn chặn, thu hồi giấy phép hoạt động ngành nghề có vi phạm pháp luật về thuế và các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong giao dịch điện tử.

Chỉ đạo khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng có chính sách miễn, giảm phí chữ ký số cá nhân cho người dân tại các tỉnh Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh và Đà Nẵng khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Trong năm 2024, phấn đấu tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 40 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20-25%. Tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần kinh tế số vào GDP đạt từ 19%-20%. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 7,5%.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm đó là: Xây dựng và trình ban hành Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; xây dựng Thông tư quy định về thiết lập, vận hành hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.

Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai quy trình xét duyệt, công nhận, công bố nền tảng số quốc gia/nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia trong lĩnh vực kinh tế số và xã hội số.

Định hướng đến năm 2025, kinh tế số chiếm trên 20% GDP cả nước, tăng trưởng từ 20% - 25%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Hoàn thành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) theo hướng bổ sung các nội dung mới về kinh tế số phù hợp với yêu cầu phát triển của lĩnh vực; củng cố, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật tạo thuận lợi phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế số. Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dệt may, logistics và sản xuất công nghiệp, tài chính, ngân hàng...

Theo Báo Công Thương