Nhiều cơ quan, địa phương khó hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công

Trần Huyền

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, bên cạnh một số đơn vị đạt kết quả tích cực, có khả năng hoàn thành sớm kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, vẫn còn nhiều cơ quan, địa phương khó thực hiện được mục tiêu giải ngân đề ra.

Nhiều cơ quan, địa phương khó hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công. Ảnh minh họa: internet
Nhiều cơ quan, địa phương khó hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công. Ảnh minh họa: internet

52/115 bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp hơn bình quân cả nước

Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/10/2023 là 401.863,4 tỷ đồng, đạt 52,1% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (46,44% kế hoạch). Bên cạnh đó, giải ngân của các dự án thuộc kế hoạch các năm trước được kéo dài thực hiện trong năm 2023 chỉ đạt 52,6% (kế hoạch 54.725 tỷ đồng).

Trong khi có một bộ, ngành, địa phương đạt kết quả tích cực có khả năng hoàn thành sớm kế hoạch giải ngân như Ngân hàng Nhà nước (79%), Bộ Giao thông vận tải (67%), Thừa Thiên Huế (92,2%), Đồng Tháp (87,9%), Tiền Giang (82,7%), Vĩnh Phúc (80,7%), thì với tình hình hiện nay, mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% là rất khó thực hiện. Bộ Tài chính cho biết, hiện còn 15 bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới 10%, 4 địa phương giải ngân dưới 30% trong tổng số 52/115 bộ và địa phương có kết quả giải ngân ước 10 tháng thấp hơn bình quân của cả nước.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; kết quả kiểm tra của Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng tại các địa phương (Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum) về đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và kết quả cuộc họp trực tuyến với các địa phương (Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên) do Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì đôn đốc tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính đã rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Theo đó, tiến độ giải ngân chậm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, các vướng mắc về quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng cần có hướng xử lý như vấn đề chuyển đổi đất rừng, đất lúa, khai thác khoáng sản, các vướng mắc trong thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; Tình trạng thiếu nguyên liệu thi công như tại một số tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long bị thiếu hụt cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông trọng điểm...

Về chủ quan, có nguyên nhân đến từ công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch sử dụng đất, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư... dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.

Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ, phân bổ vốn còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Một số các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn (khoảng 13.000 tỷ đồng chiếm 2% kế hoạch) nên đến thời điểm báo cáo chưa thể giải ngân.

Một số dự án đã phân bổ nhưng chưa giải ngân (một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị cắt giảm do không có khả năng giải ngân khoảng 8.000 tỷ đồng) nên ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Điều chuyển vốn từ dự án chậm sang dự án có khả năng giải ngân

Để nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo mục tiêu, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành trong thẩm quyền, trách nhiệm của mình nhanh chóng có các hướng dẫn đối với kiến nghị của đơn vị.

Đối với các vướng mắc liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban dân tộc rà soát các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến phân bổ, giải ngân vốn của các chương trình để giải quyết trong thẩm quyền hoặc khẩn trương trình cấp có thẩm quyền giải quyết.

Các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thành việc điều chỉnh, điều hòa các dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng để đẩy mạnh giải ngân, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ kế hoạch giải ngân theo từng tuần. Đồng thời, cần đánh giá khả năng thực hiện trong năm 2023 về số vốn phải kéo dài, số vốn sẽ bị hủy. Các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên liệu đá, cát phục vụ dự án, khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án cắt giảm kế hoạch năm 2023 tương ứng kế hoạch đã bố trí cho các dự án đến hết ngày 31/10/2023 có tỷ lệ giải ngân bằng 0% và cắt giảm kế hoạch đến  ngày hết 31/10/2023 chưa thực hiện phân bổ.