Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nguyễn Thị Quế Hương - Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính)

Nền kinh tế sau hai năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đã dần được vực dậy nhờ việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, sự nỗ lực của chính người dân và doanh nghiệp. Tăng trưởng kinh tế các năm 2021-2022 của Việt Nam đạt được kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá là “điểm sáng” trong phục hồi kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng trên có phần đóng góp rất lớn từ chính sách tăng chi đầu tư công, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho phục hồi và phát triển kinh tế

Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-25 được thông qua là 2.870 nghìn tỷ đồng, gồm: 1.500 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, 1.370 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Triển khai Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, hiện nay, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 2.338 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 1.105 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1.233 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 85% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã cho phép tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023.

Trong đó, về y tế, bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị COVID-19.

Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bố trí tối đa 113,55 nghìn tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đối số… Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, bố trí tối đa 3,15 nghìn tỷ đồng để đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề…

Năm 2023, kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 với số vốn kỷ lục 726,6 nghìn tỷ đồng, tăng 23% về quy mô vốn đầu tư công so với năm 2022. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1513/QĐ-TTG ngày 3/12/2022 giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023.

Tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, tổng mức vốn đầu tư năm 2023 là rất lớn, đặt ra thách thức cho nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân trong các tháng cuối năm 2023.

Triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Công tác giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và chỉ đạo sát sao. Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong những năm gần đây chậm, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hằng năm, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện và các văn bản chỉ đạo, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng đều đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, làm rõ các khó khăn, nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (qua các năm 2021, 2022, 2023).

Bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chương trình, kế hoạch được giao, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Ngay sau khi nhận được văn bản báo cáo phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của đơn vị, Bộ Tài chính đã kịp thời thực hiện kiểm tra phân bổ theo quy định.

Đối với những đơn vị phân bổ đúng quy định và những dự án đủ điều kiện giải ngân, Bộ Tài chính thực hiện nhập hoặc phê duyệt ngay dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) để Kho bạc Nhà nước kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời cho các dự án. Đối với những đơn vị phân bổ không đúng quy định, Bộ Tài chính có văn bản gửi từng bộ, cơ quan trung ương đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết theo đúng quy định làm căn cứ để nhập dự toán và kiểm soát thanh toán cho các dự án. Sau khi được kiểm tra phân bổ, cơ bản các bộ, cơ quan trung ương đã có báo cáo bổ sung hoặc điều chỉnh lại phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo đúng quy định. Bộ Tài chính cũng đã ban hành các văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ, nhập dự toán và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023.

Hiện nay, Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, đồng thời đã tích hợp 11 thủ tục hành chính lên cổng thông tin Dịch vụ công quốc gia, trong đó có thủ tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến nay đã đạt tỷ lệ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước; số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh hàng tháng trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt trên 99,6%. Cơ quan kiểm soát thanh toán Kho bạc Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, hệ thống để tiếp nhận và xử lý ngay các hồ sơ giải ngân vốn cho các dự án.

Hằng tháng, Bộ Tài chính đã kịp thời tổng hợp tình hình giải ngân của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác điều hành, trong đó đã tổng hợp, báo cáo rõ các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm. Báo cáo cũng đồng thời phục vụ Tổ công tác của Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Nhằm phổ biến, quán triệt các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và phổ biến, cập nhật chế độ, chính sách mới trong lĩnh vực quản lý tài chính đầu tư công, Bộ Tài chính để tổ chức Hội nghị toàn quốc tại 3 Miền Bắc, Trung, Nam với chủ đề: “Tọa đàm về cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hàng năm”.

Tại các Hội nghị, Bộ Tài chính đã hướng dẫn về quản lý, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành; trao đổi, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định liên quan đến quản lý, thanh toán, quyết toán nói riêng, các chính sách về quản lý đầu tư công nói chung. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là dịp để Bộ Tài chính kịp thời ghi nhận, tổng hợp vướng mắc của các đơn vị thực hiện trong giải ngân vốn đầu tư công (vướng mắc trong quá trình thực hiện, vướng mắc về cơ chế, chính sách...) để có căn cứ đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, quyết tâm lớn từ các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và trực tiếp các chủ đầu tư, mặc dù việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn trước tác động của biến động về giá cả nguyên vật liệu... tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ giữa năm 2023 đã có nhiều tín hiệu khả quan.

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/7/2023 là 267,6 nghìn tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch, đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 31,61% kế hoạch và đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là 30.562 tỷ đồng (đạt 27,1% kế hoạch giao). Như vậy, kết quả giải ngân 7 tháng đầu năm 2023 cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân thúc đẩy tăng trưởng

Năm 2023, trước những tác động lớn từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%. Để hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiệm vụ đặt ra là phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các tháng cuối năm 2023.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương cần quyết liệt triển khai các nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện, triệt để phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, dám làm, giám chịu trách nhiệm. Đặc biệt, cần chú trọng khâu xây dựng kế hoạch sát với khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án.

Các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị đầu tư và các điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng triển khai các công việc thực hiện và giải ngân dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023. Không để sau khi giao vốn mới bắt đầu triển khai. Đồng thời, chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát để chủ động, kịp thời xử lý vướng mắc. Lựa chọn các nhà thầu thi công có năng lực, kinh nghiệm... yêu cầu các chủ đầu tư tăng việc thanh toán theo hình thực trực tuyến trên cổng thông tin dịch vụ công quốc gia để chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ngoài ra, căn cứ tình hình triển khai kế hoạch vốn đầu tư công trong những năm gần đây, để “khơi thông” dòng vốn đầu tư công, tạo động lực thật sự cho phát triển kinh tế - xã hội, không thể chỉ quan tâm giải quyết vướng mắc trước mắt, mà cần có giải pháp căn cơ, lâu dài như: tập trung sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng thông thoáng, giảm vướng mắc chẳng hạn như tách phần giải phóng mặt bằng triển khai trước, phân cấp chủ quản đầu tư, nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả nguồn vốn chi thường xuyên) để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các quy trình quản lý hiện hành cũng cần phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn, không quy định giữ một vài khâu quản lý ở trên đối với các nội dung đã phân cấp cho cấp dưới.

Để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã đề ra cho công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, về phía Bộ Tài chính, trong thời gian tới, sẽ thực hiện một số công việc trọng tâm như sau:

Một, Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì Tổ kiểm tra đôn đốc giải ngân tại một số địa phương, qua đó sẽ nắm bắt cụ thể hơn các vướng mắc để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp đôn đốc, tháo gỡ.

Hai là, tiến hành kiểm tra nắm tình hình tạm ứng, thanh toán tại một số đơn vị kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công. Tiếp tục yêu cầu Kho bạc Nhà nước và các chủ đầu tư tăng cường thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước nhằm đẩy nhanh quy trình thanh toán, tiết kiệm thời gian và công sức đi lại của các đơn vị.

Ba là, tiếp tục tham gia tích cực việc rà soát các vướng mắc về thể chế, chính sách về quản lý đầu tư công và ngân sách nhà nước nhằm kịp thời đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung trên quan điểm phân cấp mạnh mẽ hơn, thông thoáng hơn, giảm các tầng nấc quản lý cấp trên.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025;
  2. Quốc hội, Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023;
  3. Quốc hội, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;
  4. Bộ Tài chính, Báo cáo Tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 6 tháng, ước thực hiện 7 tháng kế hoạch năm 2023.
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2023