Nhiều công ty tài chính “ma” không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép
Thông tin về tình trạng công ty tài chính "ma" như trên được nêu ra tại cuộc Hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn” diễn ra ngày 2/12/2021.
Hội thảo do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội phối hợp tổ chức. Mục tiêu hội thảo nhằm tìm giải pháp thúc đẩy cho vay khu vực nông thôn để đẩy lùi tín dụng đen.
Theo thông tin tại hội thảo, thời gian qua có tình trạng nhiều công ty tài chính thành lập không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, nhiều App cho vay online xuất hiện trên không gian mạng...
Các tổ chức này cho vay với điều kiện vay vốn hết sức hấp dẫn khiến dư luận hiểu lầm đó là các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả hệ thống các tổ chức tín dụng.
Các chuyên gia tham luận tại hội thảo cho biết đã có một số giải pháp được thực hiện thời gian qua để gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Mặc dù vậy, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn xảy ra ở nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây lo lắng và bức xúc trong nhân dân.
Thực tế, một bộ phận người dân cần vay vốn phục vụ các nhu cầu cấp bách, hoặc các nhu cầu trái pháp luật, không có khả năng đáp ứng các yêu cầu, điều kiện vay ngân hàng sẽ tìm tới tín dụng đen do các thủ tục vay vốn đơn giản, giải ngân nhanh chóng mà không cần tài sản thế chấp.
Trong khi đó, tội phạm tín dụng đen những năm vừa qua ngày càng biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh khó khăn, mất việc làm và không có tiền chi tiêu.
Tội phạm “tín dụng đen” đã lợi dụng tình cảnh này để mở rộng “bẫy” vay nợ thông qua nhiều hình thức, phương thức và thủ đoạn mới tinh vi hơn, hướng đến nhóm đối tượng yếu thế như người lao động nghèo, người dân tộc vùng sâu vùng xa khó tiếp cận với thông tin…
Đồng thời, tội phạm tín dụng đen đã sử dụng nhiều cách thức xử lý, đòi nợ phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây bức xúc trong xã hội.
Trước thực trạng đó, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.
Một trong những giải pháp khả thi được nêu ra để thực thi thời gian tới là phát triển tín dụng tiêu dùng, tín dụng khu vực nông thôn nhằm góp phần giảm thiểu tín dụng đen.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường và thông lệ quốc tế.
Cụ thể, ngành ngân hàng sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện mở rộng tín dụng tiêu dùng trong thời đại số hóa hoạt động ngân hàng; tiếp tục triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, phát triển mô hình ngân hàng lưu động; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng…