Nhiều điểm đột phá trong Luật Bảo hiểm Y tế mới
(Tài chính) Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định điều này tại Chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tuần này.
Từ năm 2021 sẽ thông tuyến tỉnh và tuyến trung ương
Cụ thể, Luật lần này có những điểm sửa đổi, bổ sung chính, có lợi cho người dân đặc biệt là cho người nghèo như sau:
(i) Bảo hiểm là bắt buộc và theo hộ gia đình, càng nhiều người trong gia đình tham gia thì mức đóng càng giảm xuống;
(ii) Mức đồng chi trả trong điều trị giảm hẳn, trong đó bỏ phần đồng chi trả đối với hộ nghèo; với hộ cận nghèo thì giảm từ 20% trước đây xuống còn 5%; thân nhân của người có công không phải đồng chi trả hoặc chỉ còn 5%.
Điểm mới nữa là thông tuyến kỹ thuật đối với tuyến xã và tuyến huyện trong địa bàn tỉnh từ ngày 1/1/2016, đặc biệt là các hộ nghèo và các hộ sống ở vùng biên giới hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn được quyền khám chữa bệnh thông tuyến, từ tuyến xã lên đến huyện và tuyến tỉnh, trung ương.
Việc thông tuyến tỉnh và tuyến trung ương bắt đầu từ năm 2021; sẽ mở thêm nhiều khoa khám bệnh với phiếu lấy số hẹn, có người hướng dẫn, giảm thời gian khám bệnh trung bình ít nhất 40 phút với lượt khám thông thường.
“Chúng tôi cũng đã thiết lập đường dây nóng tại các bênh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương để ghi nhận phản ánh của người dân về thái độ, quy trình khám chữa bệnh của y, bác sỹ và đã xử lý kỷ luật, cảnh cáo, chuyển công tác, buộc thôi việc… những cá nhân vi phạm”, Bộ trưởng Tiến cho biết thêm.
Giá thuốc của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc từ 1,5-2 lần
Về vấn đề giá thuốc, Bộ trưởng Tiến cung cấp thông tin: những khảo sát của đoàn liên ngành (gồm: Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) với 36 mặt hàng thuốc thường dùng thì thấy rằng giá thuốc của chúng ta thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5-2 lần; thấp hơn của Thái Lan từ 2,5-3 lần.
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp khảo sát theo phương pháp của Tổ chức Y tế thế giới khoảng 3.000 mặt hàng, thì thấy những năm gần đây, tỷ lệ thuốc nội tăng giá rất thấp, còn thuốc biệt dược bên ngoài, thì mức tăng trung bình.
Với thuốc bán ở ngoài các quầy thuốc tự do theo quy luật thị trường, tuy nhiên, liên bộ (gồm: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công Thương) đã phối hợp và xây dựng khung giá thuốc tối đa và tối thiểu. Các nhà thuốc đó phải niêm yết công khai giá bán theo giá khung, nơi nào bán quá khung giá sẽ bị xử lý. Thuốc bán trong các nhà thuốc bệnh viện không phải nguồn thuốc bảo hiểm y tế thì chỉ được mức lợi nhuận tối đa từ 5-15%.
“Đối với thuốc bảo hiểm y tế, chúng tôi đã thực hiện theo phương thức đấu thầu rất chặt chẽ để giảm tối đa giá thuốc”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Cách đây 2 năm, liên bộ đã ra Thông tư 11 về đấu thầu và hồ sơ mời thầu, sau đó điều chỉnh Thông tư 36, 37 để khắc phục vấn đề giá có thể tăng trong quá trình đấu thầu và tránh trường hợp chất lượng thuốc giảm nếu đấu thầu giá rẻ.
Thông tư này đã phân chia thuốc ra thành những nhóm nhỏ, ví dụ như: nhóm đạt "Thực hành tốt sản xuất thuốc" (GMP) của châu Âu cũng chia ra đối với nhóm nước phát triển ví dụ như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật…; loại đạt GMP của Tổ chức Y tế thế giới đối với những nước còn lại; chia nhóm các loại thuốc đông y, thuốc từ dược liệu ở các nhà máy đạt GMP và chưa đạt GMP; chia các nhóm thuốc theo nguyên liệu đầu vào.
Tuy nhiên, nếu Hội đồng bình chọn thuốc trong bệnh viện cho rằng, cần thuốc biệt dược ngoại nhập, thì vẫn phải đưa vào danh sách dùng trong bảo hiểm.
“Nhờ đó, lần đầu tiên sau nhiều năm kể từ khi làm Luật Bảo hiểm y tế, phần chi phí thuốc của bảo hiểm y tế giảm 20-30%; tỷ lệ thuốc nội tăng gấp đôi và người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo vẫn tiếp cận được với thuốc có chất lượng và giá cả phù hợp”, Bộ trưởng Tiến cho biết thêm.