Nhiều doanh nghiệp cán đích lợi nhuận sau nửa năm
Mới nửa năm nhưng đã có nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận thực hiện được 80-90% kế hoạch năm hay thậm chí vượt kế hoạch cả năm.
Hoàn thành sớm mục tiêu
Theo báo cáo tài chính quý II/2017, CTCP Đầu tư Điện lực 3 (HNX: PIC) ghi nhận gần 28 tỷ đồng lợi nhuận thuần riêng quý II, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do chi phí lãi vay tăng mạnh từ 365 triệu lên 4,3 tỷ đồng nên lãi ròng chỉ còn đạt 11,7 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 6%.
Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, PIC đạt doanh thu 60,6 tỷ đồng và lãi ròng 27,7 tỷ đồng; lần lượt tăng 36% và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết, bắt đầu từ quý I/2018, nhà máy thủy điện Đa Krông 1 tại tỉnh Quảng Trị được đưa vào vận hành, công thêm việc thời tiết ở Kon Tum và Quảng Trị thuận lợi giúp sản lượng điện đạt 41,1 triệu kWh giúp tổng doanh thu bán điện tăng 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên công ty đưa vào vận hành nhà máy thủy điện Đa Krông nên chi phí khấu hao và lãi vay phải trả tăng mạnh, tổng chi phí phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng 119,52% (trong đó chi phí bán điện tăng 78,73%).
So với chỉ tiêu kế hoạch sau thuế 23,3 tỷ đồng của cả năm 2018 thì kết quả trên cũng đủ để giúp công ty vượt gần 19% kế hoạch chỉ sau nửa chặng đường. Năm 2017 với tình hình thời tiết thuận lợi đã giúp PIC đạt lợi nhuận ròng lên đến 40,7 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ trước đến nay.
Một đơn vị khác, Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco3, UPCoM: PGV) cho biết lợi nhuận trước thuế công ty mẹ ước gần 1.698 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch năm sau chỉ 5 tháng. Các khối công ty con (Nhiệt điện Bà Rịa và Nhiệt điện Ninh Bình) cũng thu về 145 tỷ lợi nhuận trước thuế, vượt 10% kế hoạch năm. Do vậy, hợp nhất toàn tổng công ty ghi nhận 1.843 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, sản lượng điện sản xuất lũy kế 5 tháng đầu năm của Genco3 đạt 14,82 tỷ kWh, giảm 5% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 40,8% kế hoạch năm. Trong đó, nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 2 và NMTĐ Buôn Kuốp lần lượt đạt 107% và 129% kế hoạch. Theo đó, doanh thu 5 tháng công ty mẹ PGV chỉ mới thực hiện được 42,5% kế hoạch năm, đạt 15.987 tỷ đồng; Toàn tổng công ty ghi nhận 16.998 tỷ đồng, thực hiện 41% kế hoạch năm.
Trước bối cảnh ngành đường năm 2018 tương đối khó khăn, CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS) đặt kế hoạch doanh thu 798 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 49% nhưng lãi ròng chỉ 55,5 tỷ đồng, bằng 1/3 năm trước cho niên độ ttài chính 1/7/2017-30/6/2018.
Do vậy, mới hết nửa năm (1/7/2017-31/12/2017) SLS đã vượt kế hoạch lãi ròng với 57,7 tỷ đồng. Và tính đến 31/3, công ty đạt lợi nhuận sau thuế 100,6 tỷ đồng, vượt 81,3% kế hoạch năm.
So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận ròng của công ty giảm gần 20%. Nguyên nhân do riêng quý III, sản lượng đường của công ty giảm 11,5% và giá bán giảm 22% khiến doanh thu từ đường giảm 31% chỉ đạt 175,3 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận ròng giảm từ 93 tỷ về 43 tỷ đồng. Trong khi, nửa đầu năm dẫu giá bán đường giảm 14% nhưng sản lượng lại tăng đột biến 221% giúp lợi nhuận ròng vẫn tăng 26%.
Đích rất gần
Bên cạnh những doanh nghiệp vượt kế hoạch sau nửa đầu năm thì cũng có một vài doanh nghiệp ngấp nghé cán đích với tỷ lệ thực hiện lên đến 80-90% chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo báo cáo sơ bộ 6 tháng đầu năm, CTCP Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) đạt doanh thu 358 tỷ đồng, tăng trưởng 5% và thực hiện 49% kế hoạch năm. Lợi nhuận gộp đạt 178 tỷ đồng, thực hiện gần 94% kế hoạch năm.
Song kết quả kinh doanh vượt trội của DPR lại đến từ hoạt động khác trong khi mảng kinh doanh chính là cao su gặp khó. Cụ thể, doanh thu từ tài chính, thanh lý cây và doanh thu khác chiếm tỷ trọng lớn 52% với gần 187 tỷ, còn mảng kinh doanh chính là mủ cao su chỉ chiếm 171 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng cao su của DPR chỉ đạt 4.657 tấn, thực hiện được 28% kế hoạch năm và giá bán cao su bình quân là 35,6 triệu đồng/tấn, giảm 24% so với cùng kỳ. Điều đó khiến cho mảng kinh doanh chính chỉ đem về lợi nhuận gộp 14 tỷ đồng, chiếm 8% tổng doanh thu.
Sau năm 2017 lỗ nặng 416,3 tỷ đồng, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) chỉ đề ra chỉ tiêu tổng doanh thu 3.800 tỷ đồng cho năm nay mà bỏ ngỏ con số lợi nhuận. Tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, ban lãnh đạo tổng công ty báo cáo lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm ước đạt 23,15 tỷ đồng. Tổng công ty thu hồi được 96,3 tỷ đồng công nợ phải thu khó đòi, tương ứng 160% kế hoạch 6 tháng đầu năm, góp phần lớn vào lợi nhuận của công ty mẹ và tổng công ty.
Công ty cũng cho biết giá trị sản xuất kinh doanh nửa đầu năm đạt hơn 1.227 tỷ đồng, thực hiện 78% kế hoạch 6 tháng và 40% kế hoạch cả năm 2018. Doanh thu của toàn tổ hợp ước thực hiện 1.647 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch 6 tháng và bằng 43% kế hoạch năm.
CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với kết quả tăng vọt so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu bán hàng đạt 106,5 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng giá vốn chậm và doanh thu tài chính tăng mạnh 133% đạt 15,4 tỷ đồng đã giúp lãi trước thuế của ABT tăng 471% lên 31,4 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế gấp 6,2 lần cùng kỳ đạt 29,4 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty báo doanh thu tăng 7,7% lên 182 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 38,4 tỷ, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước.
Như vậy, ABT đã thực hiện được 87% kế hoạch lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm.