Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch niêm yết
Sau thời gian trầm lắng, chứng khoán bước vào giai đoạn cuối năm với sự hưng phấn bất ngờ khi VN-Index đã chinh phục và trụ khá vững trên cột mốc 1.000 điểm từ đầu tháng 11 đến nay. Đó được xem là tín hiệu lạc quan để giới đầu tư kỳ vọng chứng khoán chốt lại năm nay với số điểm cao hơn.
Vì vậy không quá ngạc nhiên khi nhiều DN đang ráo riết với kế hoạch niêm yết cổ phiếu vào thời điểm này. Đó đồng thời là cơ hội đầu tư lớn cho giới đầu tư bởi trong số những DN chuẩn bị niêm yết có không ít thương hiệu khá nổi bật, đang hoạt động trong các lĩnh vực có tiềm năng của Việt Nam.
Điển hình là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia đã nộp hồ sơ niêm yết lên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến 75 triệu cổ phiếu của công ty sẽ chính thức được giao dịch ngay vào đầu năm sau.
An Gia là một hiện tượng mới nổi trong làn sóng bất động sản thời gian gần đây. Với chiến lược phát triển dòng sản phẩm trung và cao cấp, tích cực tích lũy quỹ đất thông qua các thương vụ M&A, công ty đã ghi dấu ấn trên thị trường với các dự án được phát triển khá tốt như The Garden, An gia Skyline hay mới đây là The Sóng (quy mô hơn 1.500 căn hộ du lịch tại TP.Vũng Tàu). Nhờ sự trợ lực từ cổ đông chiến lược là Quỹ Creed Group (Nhật), An Gia đang đặt ra tham vọng không nhỏ. Dự kiến An Gia Investment sẽ phát triển xây dựng và đưa ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ mỗi năm. Mục tiêu đến năm 2020, nhà phát triển này kỳ vọng sẽ đạt cột mốc 1 tỷ USD tổng giá trị tài sản.
Ở mảng hàng không, tuy mới ra đời nhưng Hãng hàng không Bamboo Airways đang gấp rút lên kế hoạch niêm yết ngay trong quý đầu tiên của năm tới. Hãng hàng không này kỳ vọng giá IPO khoảng 50.000-60.000 đồng/cổ phiếu, giúp công ty sẽ đạt giá trị vốn hóa lên đến 1 tỷ USD. Lãnh đạo Bamboo Airways kỳ vọng sẽ thu về 100 triệu USD từ việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Bên cạnh đó, mảng nông nghiệp và thực phẩm, Masan dự kiến sẽ đưa đứa con Masan Meatlife lên giao dịch trên sàn Upcom vào cuối năm nay. SeABank dự kiến sẽ đưa tất cả các cổ phiếu lên sàn trong năm sau. Còn bất động sản Đất Xanh dự kiến sẽ chào bán cổ phiếu ra công chúng đối với công ty con là Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (DXS) trong nửa cuối năm 2020.
Tất nhiên, không hẳn tất cả các DN lựa chọn thời điểm thị trường tăng tốc để IPO đều thu hút thêm dòng tiền từ bên ngoài. Bởi có một số trường hợp, DN đã ký thỏa thuận với đối tác chiến lược trước đó vào thời điểm phải lên sàn để giúp các cổ đông cụ thể hóa lợi nhuận và thu hồi vốn đầu tư.
Chứng khoán phục hồi mạnh hơn vào thời điểm cuối năm đang khiến cho triển vọng 2020 có thể sẽ thuận lợi hơn so với 2019. Theo ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc của Công ty chứng khoán MB, VN-Index sẽ tăng sát mốc 1.200 điểm vào đầu năm 2020. Sau Tết Nguyên đán, thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và thậm chí có thể lên con số kỷ lục: 1.350 điểm.
Năm 2020 là năm cuối trong kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn của Chính phủ với khá nhiều các gương mặt lớn thuộc diện phải thoái vốn và cổ phần hóa như Agribank, Vinachem, Mobifone, Vicem, Genco 1, Genco 2. Đây hầu hết là các DN có quy mô lớn. Một khi niêm yết, chúng sẽ giúp giá trị vốn hóa của toàn thị trường gia tăng đáng kể, đồng thời giúp cho giới đầu tư thêm cơ hội sở hữu không ít các tài sản có chất lượng tốt trong các lĩnh vực đang lên là năng lượng, viễn thông hay tài chính ngân hàng.