Lựa chọn cổ phiếu nào cho cuối năm?
Sau khi chinh phục thành công mốc kháng cự tâm lý 1.000 điểm, VN-Index đã leo lên đỉnh cao nhất từ giữa tháng 6/2018 đến nay tại vùng 1.025 điểm. Điều này có thể kích thích lòng tham gia tăng và dòng tiền lớn quay trở lại.
Nhóm vốn hóa lớn và dòng tiền của khối ngoại
Động lực tăng trưởng chính kéo VN-Index bứt phá 1.000 điểm vừa qua chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường. Theo báo cáo đánh giá của CTCK BIDV (BSC), nhóm VN-30 và nhóm Large Cap là nhóm duy trì sự cải thiện hiệu suất tương đối tốt, lần lượt tăng 3,4% và 0,5% so với đầu năm nay, trong khi đó nhóm Penny giảm 2,1%, SmallCap giảm 2,5% và nhóm Midcap giảm 1,2%.
Dự báo cho quý IV/2019, nhóm VN-30 và nhóm LargeCap sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng, khi nhiều doanh nghiệp trong nhóm này vẫn thể hiện sự vượt trội so với thị trường chung. Trong đó, những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ theo báo cáo quý III công bố vừa qua có thể sẽ là tâm điểm chú ý của dòng tiền, khi kỳ vọng tiếp tục giữ được phong độ hoạt động kinh doanh trong quý cuối năm.
Động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới giảm lãi suất vào cuối tháng 10/2019 có thể sẽ thúc đẩy dòng tiền rót vào các thị trường rủi ro hơn. Tại thị trường Việt Nam, sau nhiều tuần bán ròng mạnh mẽ với giá trị lớn, khối ngoại đã giảm mức độ bán ròng và thậm chí có những phiên mua ròng trở lại sau khi VN-Index vượt “chướng ngại vật” thành công.
Về cơ bản, giao dịch của khối ngoại cũng chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, do có thanh khoản cao và hoạt động truyền thông đến các nhà đầu tư nước ngoài của nhóm này cũng tốt hơn, do đó giá cổ phiếu phản ánh thực hơn theo diễn biến thị trường. Trong khi đó, dự báo của nhiều tổ chức cũng tin rằng, dòng tiền ETF của nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở lại mạnh mẽ vào cuối năm 2019.
Mới đây, quỹ PYN Elite đã nâng kỳ vọng dài hạn đối với VN-Index lên 1.800 điểm, dựa vào các yếu tố tích cực của nền kinh tế, sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các doanh nghiệp niêm yết, cũng như niềm tin vào việc thị trường tài chính Việt Nam sẽ phát triển tiến bộ hơn, nhất là Luật Chứng khoán sửa đổi được kỳ vọng thông qua bởi Quốc Hội vào cuối tháng 11/2019. Đây là tin tức tốt và là bước đầu trong việc phá vỡ các rào cản nâng hạng thị trường, giải quyết bài toán room ngoại và phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) trong những năm tới.
Những tên tuổi gây chú ý
Đầu tiên, nhóm cổ phiếu có các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) sẽ là mục tiêu của dòng tiền, trong đó nhóm ngân hàng đang nổi lên sáng chói. Vietcombank, BIDV rồi MBB gây chú ý với các thương vụ hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, thực tế là giá cổ phiếu ba ngân hàng này cũng đã tăng mạnh suốt thời gian qua. Đặc biệt, MBBank mới đây được cho biết thương vụ bán 7,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm hoàn tất vào cuối tháng này, với giá bán cho đối tác kỳ vọng lên đến 30.000 đồng/CP, cao hơn 30% so với thị giá quanh 23.000 đồng/CP vào cuối tuần qua.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (HNX: NVB) gần đây cũng được khối ngoại mua ròng mạnh mẽ sau khi lộ tin bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng phiên giao dịch ngày 1/11/2019, cổ phiếu NVB bất ngờ được khối ngoại mua ròng hơn 14,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 131 tỷ đồng và tương đương với 3,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng này là hơn 406,8 triệu cổ phiếu.
Hay như HDBank mới đây cũng trở thành cổ phiếu duy nhất của Việt Nam được thêm vào rổ chỉ số MSCI Frontier Market. Dự kiến danh mục mới sẽ có hiệu lực từ sau khi đóng cửa giao dịch phiên 26/11/2019. Giá cổ phiếu HDBank cũng đã tăng đến 20% tính từ giữa tháng 9 đến nay. Ngoài ra, nhóm 4 cổ phiếu ngân hàng Việt được J.P. Morgan đưa vào báo cáo đánh giá gần đây là Vietcombank, ACB, Techcombank và VPBank cũng có thể chứng kiến sự đột phá.
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu có động thái mua lại cổ phiếu quỹ, trong đó VHM, VRE là những đại diện tiêu biểu khi liên tiếp tăng mạnh gần đây sau thông tin mua lại cổ phiếu quỹ. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu đầu ngành có thể hưởng lợi từ động thái thoái vốn của Nhà nước như FPT, LIX hay BMI cũng có thể trở thành mục tiêu ưa thích của các nhà đầu tư có sở trường lướt sóng theo các thông tin thoái vốn.
Nhóm cổ phiếu mang tính chất phòng thủ, có lợi tức cao (điện) và thuộc các ngành có tiềm năng tăng trưởng ổn định như bán lẻ, tiêu dùng, đồ uống cũng được nhiều tổ chức khuyến nghị đầu tư, khi đều cho thấy hiệu suất tốt hơn VN-Index trong nửa đầu năm 2019 và tiếp tục sẽ là lựa chọn an toàn so với thị trường khi rủi ro tăng cao trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến còn phức tạp chưa rõ ràng. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu thuộc ngành điện như PC1, POW... có thể có diễn biến tích cực hơn trong thời gian tới, khi mà theo Bộ Công Thương, cả nước có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện từ năm 2020.
Dù nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng dòng tiền sẽ luân phiên, sau khi kéo cổ phiếu trụ để đưa VN-Index vượt kháng cự, kích thích dòng tiền lớn quay trở lại thì nhóm cổ phiếu Midcap và Pennny sẽ được lựa chọn. Điều này cũng từng diễn ra trong quá khứ và đó sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn ưa chuộng lướt sóng ở nhóm cổ phiếu có thị giá thấp.