Nhiều đơn vị thuộc ngành Tài chính góp ý cho quy định về xử lý vi phạm hành chính

Hữu Hòe

Từ thực tiễn hoạt động của mình, các đơn vị thuộc ngành Tài chính như: Hải quan, thuế đưa ra nhiều góp ý cho hoàn thiện dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

“Trong lĩnh vực hải quan, có 19 vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đến nay, Ban soạn thảo đã tiếp thu 15 vấn đề. Trong đó, có nhiều vướng mắc phát sinh trong lĩnh vực hải quan về: Thời hiệu xử lý, cưỡng chế, quyền xử lý tang vật vi phạm...”, ông Kim Long Biên - Trưởng Ban Pháp chế (Cục Hải quan, Bộ Tài chính) cho biết.

Ý kiến trên được chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính”, do Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức ngày 14/5.

Đại diện Cục Thuế (Bộ Tài chính) phát biểu tại hội thảo.
Đại diện Cục Thuế (Bộ Tài chính) phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, ông Biên chia sẻ thêm, còn 3 vấn đề cần tiếp tục được Ban soạn thảo nghiên cứu để tiếp thu phù hợp.

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 32 dự thảo Luật, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc được tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật…

“Trên thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm bị buộc phải đưa hàng hóa, vật phẩm ra khỏi Việt Nam, nhưng ngay cả khi thực hiện cưỡng chế cũng không thực hiện được. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cho phép người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, hoặc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm trong trường hợp tổ chức, cá nhân không tiêu hủy”, ông Biên đề nghị.

Thứ hai, qua điều tra chống buôn lậu, lực lượng hải quan bắt giữ nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trên các vùng biển, trong khi phân định ranh giới trên biển hiện chưa cụ thể. Điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình xử lý. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng giao cho Chủ tịch UBND tại nơi xảy ra vi phạm xử lý vi phạm.

Thứ ba, dự thảo Luật quy định: Trong thời gian xác định người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, mà có căn cứ cho rằng nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng hoặc không có địa điểm và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản, thì người có thẩm quyền quyết định việc tổ chức bán ngay theo giá thị trường…

“Đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật trường hợp tài sản tịch thu đã bán, thì với hình thức xử phạt hành chính bổ sung cần ghi số tiền đã bán tương ứng với số tang vật tịch thu, để tạo thuận lợi cho xử lý vi phạm”, ông Biên đề nghị.

Ý kiến từ Chi Cục thuế khu vực II (Cục Thuế) cho biết, qua thực tiễn, các hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn được phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra hoặc các hành vi vi phạm được lập biên bản vi phạm hành chính tự động bằng hệ thống, hành vi trốn thuế, khai sai số tiền thuế phải nộp thường là các hành vi phức tạp, có liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở các thời kỳ khác nhau hoặc có thể cơ quan xử phạt xác định không đúng các tình tiết vụ việc, có thể dẫn tới áp dụng biện pháp xử phạt không phù hợp.

Do đó, để đảm bảo quyền chứng minh không vi phạm của cá nhân, tổ chức; hạn chế việc sai sót, khiếu nại, khiếu kiện khi ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Chi cục Thuế khu vực II đề xuất bổ sung quy định trong các trường hợp nêu trên, người vi phạm được giải trình.

Chi cục Thuế khu vực II còn đề xuất bổ sung biện pháp cưỡng chế tạm ngừng xuất cảnh và biện pháp không được đứng tên đại diện pháp luật, thành lập doanh nghiệp mới đối với các cá nhân, người đại diện theo pháp luật của tổ chức chưa chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thực tiễn quản lý trong lĩnh vực thuế tồn tại tình trạng người nộp thuế có hành vi vi phạm, khi bị phát hiện, thì không hoạt động tại địa điểm kinh doanh, thành lập doanh nghiệp khác. Từ đó, tạo sự bất bình đẳng giữa các cá nhân, tổ chức; giảm hiệu lực thi hành các quyết định đã ban hành. Việc quy định bổ pháp cưỡng chế sẽ góp phần buộc cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành nghiêm các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước.

Những góp ý xác đáng trên được Ban soạn thảo ghi nhận, để nghiên cứu tiếp thu phù hợp trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật sẽ được thông qua Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, để có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của quá trình sắp xếp, tinh giản bộ máy.