Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ:
Nhiều giải pháp cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế tỉnh Bạc Liêu
Để phục hồi và phát triển nhanh sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Với tầm quan trọng đó, UBND tỉnh Bạc Liêu đã khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP , trong đó tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.
Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng
Mục tiêu của Kế hoạch là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2021 - 2025 từ 10 - 11%/năm. Đồng thời, tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội…
Để thực hiện tốt các mục tiêu quan trọng này, Bạc Liêu sẽ tập trung triển khai kịp thời và hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể theo tinh thần Nghị quyết 11, nhằm sớm ổn định, phục hồi sản xuất - kinh doanh. Đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động với các tỉnh phía Nam trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; nâng cao năng lực cơ sở tuyến đầu của hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, chăm lo cho các đối tượng bị sang chấn tâm lý, cơ nhỡ và các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, thủy lợi, lưới điện. Tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án các tuyến đường trọng điểm có tính liên kết vùng như: Tuyến đường liên kết vùng ĐT.980; đường Phước Long - Ba Đình; các dự án chống biến đổi khí hậu: kè chống ngập dọc Quốc lộ 1A, kè hai bên bờ sông TP. Bạc Liêu... Đồng thời phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống trường học, bệnh viện và trạm y tế.
Cùng với đó là chủ động xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. Quyết liệt hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư, để huy động và thu hút các thành phần kinh tế, những doanh nghiệp lớn đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, tiềm năng của tỉnh. Trong đó, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án điện gió, điện khí LNG.
Song song đó, khai thác tốt các nguồn thu, thực hiện tốt các quy định pháp luật, các chính sách về thuế, thu phí, lệ phí, các chính sách tài chính của Trung ương để khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn thu ổn định và bền vững, phấn đấu số nợ thuế đến thời điểm ngày 31/12 hàng năm giảm xuống dưới 5% so với số thực thu ngân sách nhà nước.
Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, nhằm thực hiện việc chuyển đổi số trên phạm vi toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Từng bước phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế…
Cần cơ chế, chính sách phù hợp
Có thể nói, với những chính sách tài khóa, tiền tệ được cụ thể hóa trong Nghị quyết 11 của Chính phủ hứa hẹn sẽ tạo ra những sức bật mới cho nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngoài chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… các chính sách hỗ trợ khác có tạo nên “cú hích” cho nền kinh tế hay không cũng còn là chuyện đáng bàn khi nền kinh tế bị tổn thương nặng và rất cần một liều thuốc “đủ mạnh”.
Bởi một trong những vấn đề mà doanh nghiệp và người lao động quan tâm hiện nay chính là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ có được đưa vào thực tế và phát huy tác dụng thật sự hay lại rơi vào thực trạng là chính sách đã có nhưng khi triển khai lại vướng cơ chế!? Nghị quyết 11/NQ-CP đã ban hành từ ngày 30/1/2022 nhưng đến nay các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vẫn chưa nắm được thông tin hướng dẫn từ các tổ chức tín dụng, trong khi một trong những chính sách quan trọng được doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quan tâm chính là hỗ trợ lãi suất 2% với các khoản vay thương mại trong năm 2022 và 2023. Cũng như hỗ trợ 2% trong cho vay đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Có một điều đáng quan tâm khác, việc hỗ trợ lãi suất 2% sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như lãi suất cho vay không giảm mà cụ thể là lãi suất cho vay hiện nay trên 10%/năm, thay vì chỉ cần cho vay ở mức 6%/năm mà doanh nghiệp không phải đau đầu với các quy định về thủ tục khá nhiêu khuê trong tiếp cận hỗ trợ tín dụng.
Vấn đề mà các doanh nghiệp cũng rất quan tâm là trong tiếp cận các gói hỗ trợ lãi suất lần này có phải thế chấp tài sản như các giao dịch thông thường, bởi nếu thế chấp tài sản thì coi như nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ khó tiếp cận được vì tất cả tài sản đã được thế chấp trước đó!?
Với những bất cập trên, các ngành, địa phương và các tổ chức tín dụng cần có ngay các giải pháp tháo gỡ, hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm giúp doanh nghiệp được thuận lợi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ và thật sự tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phục hồi và phát triển nhanh như mục tiêu của Nghị quyết 11 đã đề ra.